Đầu năm đi chùa từ lâu đã trở thành nét văn hóa đẹp của người dân nhiều nước Á Đông. Từ ngày đầu năm mới đến Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), các ngôi chùa thường đông nghẹt người dân đến lễ chùa, vãn cảnh, cầu cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

Năm nay, tiết trời cả nước đều nắng ấm trong suốt kì nghỉ Tết, "thiên thời, địa lợi" để người dân đi lễ nhân dịp đầu năm mới...

Người ta đến chùa không chỉ để cầu may, tìm sự bình an, sự thanh thản, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Đi chùa đã trở thành một việc làm không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về. Do vậy, đã thành thông lệ, cứ vào đêm 30 Tết, sau khoảnh khắc giao thừa, nhiều gia đình bắt đầu chuẩn bị đi lễ chùa. Ở Việt Nam, đi lễ chùa vào thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới được gọi là “Tống cựu nghinh tân”.

Mọi người đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình, cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đến chùa mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn. Ai cũng tin tưởng vào năm mới tốt đẹp vì lời khấn nguyện thành tâm đã đến được các đấng linh thiêng…

Nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm của người Việt
Nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm của người Việt (Nguồn: Gia đình Việt Nam)

Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc. Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán. Khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa vào dịp này bỗng trở nên đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các ban thờ. Trong khói hương mờ mịt, tiếng đọc kinh lúc bổng, lúc trầm… ngoài kia, vạn vật như đang khoác lên mình một bộ áo mới, phơi phới niềm vui như lòng người vậy.

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, Tết đến xuân về nhiều gia đình thường đi chùa để cầu xin bình an, tài lộc, sức khỏe và cũng để lòng mình thanh thản chốn tâm linh. Tuy nhiên, không nhiều người biết cách chuẩn bị, đi chùa đầu năm. Đi chùa đầu năm không những phải chọn ngày, sắm lễ, chuẩn bị trang phục phù hợp mà còn cần phải biết cách cầu sao cho đúng… để lòng thành được toại nguyện.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/net-dep-van-hoa-le-chua-dau-nam-cua-nguoi-viet-20201231000000862.html