Bán lẻ hiện đại lên ngôi

Báo cáo Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ do Nielsen Việt Nam vừa công bố cho biết, Việt Nam đang có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ. Mặc dù kênh bán hàng truyền thống – chợ truyền thống vẫn chiếm một số lượng không nhỏ trong số 1,4 triệu cửa hàng nói trên, tuy nhiên, theo Nielsen Việt Nam, trong vòng hai năm trở lại đây, mức độ tự tin của các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào tình trạng kinh doanh của họ ngày càng có xu hướng giảm, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Cụ thể, khảo sát của Nielsen cho thấy có 45% nhà bán lẻ truyền thống thể hiện sự lo ngại về sức mua của người tiêu dùng, tăng 6% so với khảo sát tương tự ở cùng kỳ năm ngoái. Có 28% nhà bán lẻ lo ngại về số lượng người đến mua hàng giảm so với trước đây; 14% lo lắng về sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ khác.

Đặc biệt, có đến 70% người tiêu dùng đồng tình với việc họ sẽ lựa chọn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hoặc siêu thị để mua sắm. Vấn đề cho thấy hành vi của người tiêu dùng đang dần được thay đổi, từ thích mua sắm ở các chợ truyền thống sang mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi.

Dự báo từ một số công ty nghiên cứu thị trường cho biết, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại. Riêng ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại đến thời điểm đó sẽ tăng đến 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho ngành bán lẻ hiện đại nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.

Trong năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở lại vị trí thứ 6 trong số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất.

Trong năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở lại vị trí thứ 6 trong số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất.

Giới chuyên gia nhận định, các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị quy mô vừa – nhỏ, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong thời gian tới được xem như quy luật tất yếu, điều đó cũng nằm trong thông lệ phát triển thị trường bán lẻ nhiều nước của khu vực.

Còn theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực buôn bán online đạt trên 35% và sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Việc ra đời và phát triển mạnh của loại hình mua sắm online càng làm giảm sức mua của các kênh phân phối khác đặc biệt là chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều hệ thống cửa hàng bán lẻ càng khiến các khu chợ truyền thống phải đối diện nhiều cạnh tranh. Bởi Việt Nam là nước có chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu đứng thứ 6 trên toàn thế giới. Nắm bắt được thị trường tiềm năng này, nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ đang đổ bộ vào Việt Nam. Thực tế sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như: Lazada, Sendo, Adayroi… đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó sự ra đời và phát triển của các trang mạng xã hội Zalo, Facebook càng khiến cho việc kinh doanh, buôn bán trực tuyến ngày càng nở rộ và tạo sự cạnh tranh mạnh với các siêu thị, chợ truyền thống.

Ngoài ra, Savills Việt Nam cũng ghi nhận trong giai đoạn 2018 - 2021, thị trường bán lẻ được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm). Bên cạnh ngành hàng thời trang, dịch vụ cá nhân và giải trí như trung tâm thể thao đa năng và rạp chiếu phim sẽ ngày càng mở rộng hơn nhằm cung cấp mức sống tốt hơn cho người dân tại các thành phố lớn. Từ đó, phát sinh nhu cầu về mặt bằng các cửa hàng ngày càng gia tăng.

Thực tế sự ra đời của hệ thống thương mại điện tử đã làm cho kinh doanh, buôn bán tại các chợ truyền thống mất ngôi vị dẫn đầu trong phân phối hàng hóa. Thậm chí nhiều chợ truyền thống còn không cạnh tranh lại với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên nhiều chủ sạp kinh doanh phải đóng cửa.

Có lo ngại mất chợ?

So với chợ, siêu thị là một bước tiến vượt bậc về phương diện văn hoá kinh doanh với nguyên tắc trung thực, sáng tạo, tôn trọng khách hàng, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Nếu kinh doanh hiệu quả, siêu thị góp phần làm tăng sức mua, kích thích sản xuất (dĩ nhiên cũng có thể làm nảy sinh tâm lý thích mua sắm, mua sắm quá mức nhu cầu, lãng phí).

Tuy nhiên, siêu thị chỉ có thể xây dựng ở các trung tâm thành phố lớn, khu vực đông dân cư, sức mua lớn. Mặt khác, chủ thể kinh doanh siêu thị phải bỏ kinh phí lớn xây dựng (hoặc thuê) mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thiết bị bảo quản, công tác kiểm định chất lượng hàng hoá, nhân công… nên chi phí hàng hoá cao hơn so với chợ truyền thống. Qua khảo sát sơ bộ, nhiều mặt hàng trong siêu thị đắt hơn ở chợ truyền thống từ 10 - 15%. Tuy nhiên, nhiều người cho biết vẫn lựa chọn siêu thị vì không bị mua hớ, khá yên tâm về chất lượng sản phẩm và hài lòng với cung cách phục vụ.

Chợ truyền thống đang bị cạnh tranh

Chợ truyền thống đang bị cạnh tranh bởi các mô hình kinh doanh mới

Bà Trần Kiều Thanh Hà, Quản lý dự án Thành phố sống tốt, thuộc tổ chức HealthBridge Canada cho rằng: “Trong bối cảnh phát triển thêm nhiều kênh thương mại bán lẻ thì chợ truyền thống càng có vai trò quan trọng, bởi chợ là kênh phân phối hàng hóa địa phương đến người tiêu dùng, có vai trò quan trọng với nền sản xuất kinh tế của địa phương. Tuy nhiên để hoạt động hiệu quả thì cần phải tăng sức cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ đang vào Việt Nam bằng cách đa dạng hàng hóa địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, văn minh mua bán ở chợ cần được cải thiện”.

Theo bà Hà, một số thành phố trên thế giới từng xảy ra tình trạng để cho tập đoàn kinh tế tư nhân thống trị hoàn toàn mạng lưới bán lẻ nhưng đến khi tập đoàn gặp vấn đề về mặt tài chính, khủng hoảng đã kéo toàn bộ hệ thống bán lẻ bị khủng hoảng theo. Trong khi đó, nhìn ở góc độ chợ,do chợ gồmnhiều tiểu thương khác nhau nên chợ ít bị ảnh hưởng nếu một vài tiểu thương đóng cửa.

Không phủ nhận về việc các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường, theo TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương Mại cho rằng các kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ tập trung chủ yếu ở đô thị, vùng nông thôn vẫn là mảnh đất để chợ truyền thống có thể phát triển.

“Đây là kênh còn nhiều dư địa vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn chuộng kênh truyền thống. Đặc biệt, các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng chưa thể vươn xa được đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, miền núi, do đó, chợ truyền thống vẫn hấp dẫn người dân ở khu vực này; kể cả ở khu vực thành thị. Thói quen của nhiều người dân cũng như mặt bằng thu nhập là yếu tố vẫn kéo người dân vào các kênh chợ truyền thống…”, ông Khôi cho biết thêm.

Rõ ràng, một nền kinh tế có thể tồn tại đa dạng các loại hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc tồn tại chợ không hề ảnh hưởng đến việc phát triển của trung tâm thương mại bởi hai mô hình này phục vụ các nhu cầu mua sắm khác nhau nên không hề đe dọa đến sự phát triển của nhau.

An Yên

 

Theo dothi.reatimes.vn