Ngành bán lẻ Việt Nam đang ghi nhận tín hiệu phục hồi khả quan. Theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1%. Đây là con số cao khi so sánh với cùng kỳ của các năm 2018 -2021. Có thể thấy, ngành bán lẻ quốc nội đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiền Covid.

Ngành bán lẻ dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng trước COVID
Ngành bán lẻ dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng trước COVID

Riêng tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Bình luận về thị trường bán lẻ Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, cho rằng, thị trường thực chất vẫn đang rất trẻ so với các quốc gia khác trong khu vực. Sau 2 năm hạn chế bởi đại dịch, quyết định mở cửa đường bay và việc doanh nghiệp được phép tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh đã tạo sức bật đối với ngành bán lẻ nói chung, từ nguồn khách hàng nội địa và quốc tế.

“Sự phát triển của ngành bán lẻ, sức mua mạnh mẽ của người tiêu dùng, tốc độ đô thị hóa, hay cải thiện về cơ sở hạ tầng là những lợi thế cạnh tranh nổi bật của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của thị trường toàn cầu. Trong vòng 2 năm tới, rất nhiều thương hiệu lớn sẽ tích cực gia nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hà Nội và TP HCM. Những nhãn hàng này trải dài nhiều ngành, như thời trang, mỹ phẩm hay ăn uống, và thuộc đa dạng phân khúc, từ cao cấp, trung cấp tới các cửa hàng mua sắm nhanh. Khi tìm kiếm thuê mặt bằng, họ có xu hướng lựa chọn nhà phố tại các trục phố lớn hay trung tâm thương mại được vận hành bởi chủ đầu tư uy tín”, bà Minh chia sẻ thêm.

Để đẩy mạnh tiêu dùng, thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả.

Ngoài ra, đổi mới thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.

Song song với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa...

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/nganh-ban-le-dan-bat-kip-toc-do-tang-truong-truoc-covid-212837.html