Xuất khẩu dệt may phục hồi nhờ nhu cầu Mỹ và châu Âu tăng mạnh
Sau hàng loạt khó khăn về đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm không có hoặc hạn chế, những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may đang quay lại guồng sản xuất khi nhận được nhiều đơn hàng.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2021 xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 7,18 tỷ USD; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Cũng theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may tuy còn khiêm tốn nhưng đã tăng trở lại, cho thấy dự báo tích cực về xuất khẩu của ngành hàng này đang dần trở thành hiện thực.
Ông Alessandro Di Palma, Giám đốc điều hành Công ty Sợi Đà Lạt cho hay: “Năm 2021 chắc chắn vẫn nhiều khó khăn, tuy nhiên sản phẩm của công ty chủ yếu xuất đi châu Âu, trong khi thị trường này đang trở nên tốt hơn. Chưa kể, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chắc chắn phần nào cũng sẽ tạo động lực cho hàng dệt may xuất khẩu sang châu Âu”.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt (Vinatex) nhận định, dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng thị trường dệt may thế giới đã dần sôi động trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019 nhưng tín hiệu từ thị trường trong quý I/2021 cho thấy dự báo hướng phấn đấu của ngành trong năm nay là có cơ sở thực hiện được.
Đáng chú ý, trong quý I/2021, các đơn đặt hàng hàng dệt may đã tăng trở lại nhờ sự phục hồi số lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ.
Hiện, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, với 3,5 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, chiếm 48% giá trị xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam trong quý I/2021. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường EU đạt 650 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
9 tháng cuối năm 2021, kỳ vọng giá trị xuất khẩu của ngành dệt sẽ tăng trưởng đáng kể tại thị trường Mỹ nhờ kinh tế Mỹ phục hồi và gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD giúp kích thích tiêu dùng của người dân với các hàng hóa cá nhân như quần áo và giày dép.
Doanh nghiệp dệt may tận dụng mọi cơ hội
Trong báo cáo công bố đầu tháng 3/2021, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu dệt may đạt 6,8% tỷ USD trong quý I/2021 do nhu cầu bị dồn nén mạnh ở các nước như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc dự báo sẽ hồi phục sau đại dịch. VNDIRECT kỳ vọng, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong quý II/2021 sẽ tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD. Nhận định về tính khả thi của mục tiêu này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.
VNDIRECT cũng cho rằng, tình hình chính trị bất ổn gần đây ở Myanmar là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Những bất ổn chính trị ở Myanmar đang phủ bóng đen lên tương lai của ngành may mặc Myanmar.
Một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất tại Myanmar và có kế hoạch chuyển sang Việt Nam như Adastrica có kế hoạch dừng sản xuất tại Myanmar vào tháng 6 tới và xem xét chuyển sản xuất sang Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc… Khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.
Đáng chú ý, hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế lớn như Nike, H&M, Uniqlo, Zara,... đã thông báo ngừng sử dụng bông từ Tân Cương (Trung Quốc) sau căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước EU.
Hiện tại, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đầu tư mới như STK tái khởi động dự án Unitex - tăng gấp đôi công suất; Nhà máy Sông Hồng 10 dự kiến sẽ giúp MSH tăng 20% công suất; TCM xây dựng nhà máy Vĩnh Long 2 với công suất 9 triệu sản phẩm/năm…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại.
Hơn nữa, việc bán phá giá đối với sợi Trung Quốc có thể tiếp tục xảy ra vào năm 2021 do căng thẳng giữa EU và Trung Quốc. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển cao trong quý I/2021 cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng FOB và ODM.
Nguồn: https://congluan.vn/nganh-det-may-dang-dan-hoi-phuc-sau-giai-doan-suy-giam-sau-do-dich-benh-covid--19-post136524.html