Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam Liên minh kinh tế Á - Âu thực thi sẽ giúp ngành dệt may duy trì được tốc độ tăng trưởng kim ngạch khoảng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ USD/năm.
Nếu không có CPTPP, việc duy trì kim ngạch XK trên 3 tỷ USD trong những năm tới của ngành dệt may là rất khó khăn.
Bộ Công Thương cho hay, chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày Thông tư hướng dẫn về CPTPP của Bộ Công Thương có hiệu lực vào ngày 8/3/2019, đã có trên 400 bộ C/O được cấp cho hàng XK sang thị trường Canada, trong đó phần lớn là hàng dệt may. Hiện nay mặt hàng dệt may đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ khi XK sang Canada để hưởng ưu đãi thuế từ CPTPP.
Với CPTPP, nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, mặt hàng dệt may cũng được giảm thuế từ 17%-18% xuống còn 0%. Đây cũng là mặt hàng được giảm thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, do vậy nhiều DN đã chủ động tìm hiểu về C/O với sự hướng dẫn hỗ trợ của các cơ quan liên quan để được hưởng ưu đãi thuế vào thị trường này.
Tại TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM cho biết, sau khi có hiệu lực từ đầu năm nay, CPTPP đã có tác động nhất định đến ngành dệt may, Một số khách hàng, thị trường trong CPTPP, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Úc… đã có các hoạt động liên kết với một số DN của Việt Nam, tìm hiểu thông tin, tìm kiếm đối tác.
XK hàng dệt may vào các thị trường này cũng đã ghi nhận có sự tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, dung lượng các thị trường này còn nhỏ. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ dệt may thế giới đang có xu hướng chững lại nên việc khai thác các thị trường mới trong CPTPP còn giới hạn, chưa được như kỳ vọng.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, CPTPP có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành dệt may vì giúp thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, trong đó thị trường được kỳ vọng nhất là Canada và Australia. Riêng Nhật Bản đã có hiệp định song phương với Việt Nam từ trước nên không hy vọng tăng trưởng nhiều.
Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới nhưng ngành dệt may đang phải đối mặt với không ít áp lực. Tổng cầu của thị trường dệt may thế giới vẫn dao động ở mức 700 tỷ USD/năm trong 5 năm qua. Trong khi đó các quốc gia sản xuất hàng dệt may trên thế giới liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đơn hàng dẫn đến cạnh tranh trong ngành dệt may ngày càng khốc liệt. Nếu không có CPTPP, việc duy trì kim ngạch XK trên 3 tỷ USD trong những năm tới của ngành dệt may là rất khó khăn.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may là ngành hàng được hưởng lớn lớn từ CPTPP. Mặc dù Mỹ không tham gia CPTPP nhưng vẫn còn những thị trường đầy tiềm năng khác đặc biệt là Australia, Canada. Đây là 2 thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần XK của hàng dệt may của Việt Nam vào hai thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm. Như vậy, CPTPP vẫn là động lực đủ mạnh thúc đẩy tăng trưởng XK của ngành dệt may khi đưa ra những ưu đãi thuế quan hấp dẫn.
Để đáp ứng yêu cầu này, thời gian gần đây, một số DN cũng đã có những giải pháp nhất định trong việc tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước và trong khối CPTPP. Tuy nhiên, việc đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Ngoài ra, để có thể khai thác được các thị trường trong CPTPP, các doanh nghiệp cần tìm hiểu những nội dung liên quan tới ngành từ CPTPP về quy định, thủ tục hải quan, logistics của các nước, đồng thời bản thân doanh nghiệp ý thức tự vươn lên và liên kết để nâng cao chất lượng sản xuất mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường.