Nắm bắt cơ hội
Theo Tổng Cục thống kê, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.
Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2019 diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm. Hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước tính đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (năm 2018 tăng 8,4%), trong đó quý IV/2019 ước tính đạt 1.287,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với quý trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 3.751,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 586,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng mức và tăng 9,8%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 556,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng mức và tăng 8,5%.
Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường bán lẻ ở các thành phố, các đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh hiện đại; thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình; thương mại điện tử bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ.
Môi trường kinh doanh trên thị trường bán lẻ ngày càng thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trao đổi, mua bán có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam là mảnh đất màu mỡ với rất nhiều tiềm năng, dư địa có thể khai thác, nhưng các doanh nghiệp cần nhận định và nắm bắt xu hướng mới nếu muốn chiếm lĩnh được thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt này.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Cùng với quá trình đổi mới, tăng trưởng phát triển của các ngành, vấn đề cấp bách là làm thế nào để tăng cường hiệu quả hoạt động bán hàng. Để tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình; đồng thời phải biết nắm bắt cơ hội cũng như hạn chế những rủi ro.
Cần đồng hành với bảo vệ môi trường
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế đạt mức tăng trưởng tương đối cao kéo theo mức tiêu dùng của người dân tăng theo. Tuy nhiên, sự phát triển nóng vừa qua cũng gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến rác thải nhựa đang là vấn nạn nhức nhối trên cả nước. Đặc biệt là Hà Nội, áp lực dân số lớn, mặt hàng tiêu thụ nhiều đồng nghĩa với lượng rác thải tăng nhanh khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Chia sẻ về điều này, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: “Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Không những vậy, chính những nơi cấm vứt rác lại là nơi nhiều rác nhất”.
Cũng theo bà Chi, Hà Nội đã và đang tích cực lan tỏa chiến dịch từ doanh nghiệp đến các nhà hàng về việc tích cực vận động người dân nên hạn chế rác thải nhựa để đảm bảo môi trường.
Bà Elseth Akkerman, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng: “Bước đầu tiên chúng ta nên làm là cả cộng đồng cần nhận thức tất cả rác thải nhựa phân hủy rất lâu, và là vấn đề nhức nhối hiện nay. Chính vì thế chúng ta cần phải hành động từ việc nhỏ nhất, như việc từ chối túi nhựa khi đi chợ, đến việc thu gom rác thải nhựa một nơi đúng quy định. Đặc biệt, nếu tái chế được rác thải thì quả là một điều tuyệt vời”.
Vai trò của hoạt động bán hàng trở nên hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cùng với quá trình đổi mới, vấn đề cấp bách là làm thế nào để tăng cường hiệu quả hoạt động bán hàng. Để tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chiến lược kinh doanh phù hợp, đồng thời phải biết nắm bắt cơ hội cũng như hạn chế những rủi ro. Nhưng vấn đề đặc biệt quan trọng là vấn đề phát triển bền vững, phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường.