Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề
Số ca nhiễm virus Corona trên thế giới tăng lên không chỉ đe dọa sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến các nền kinh tế, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ khi là láng giềng gần của Trung Quốc, nhiều hoạt động thương mại đã tạm hoãn hoặc hủy bỏ.
Trong đó, ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, lưu trú, hàng không khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng do người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian có dịch.
Rất nhiều đơn vị du lịch trong nước đã phải hủy bỏ các gói tour du lịch đến Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc vào Việt Nam theo yêu cầu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường. Điều này dự báo một tương lai ảm đạm cho ngành du lịch trong nhiều tháng tới.
Tổn thất với các công ty du lịch không nhỏ khi rất nhiều công ty đã set up các gói du lịch trước cả năm để “ôm” vé máy bay sau đó bán dần. “Tháng giêng là tháng ăn chơi” trong mùa đại dịch lại trở nên vô cùng khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch, chỉ tính 9 ngày Tết từ (29 tháng Chạp đến hết mùng 7 tháng Giêng), khách du lịch quốc tế đến Hà Nội giảm 13%, khách du lịch Trung Quốc giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM, lượng khách đến trong dịp Tết Canh Tý 2020 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành nghề thứ hai ảnh hưởng trực tiếp vì dịch Corona là xuất nhập khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc gặp khó khăn, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể. Nhiều ngành sản xuất cần nguồn cung từ Trung Quốc như dệt may, linh kiện... cũng tạm thời dừng lại.
Ngoài việc các loại hàng hóa xuất nhập khẩu ở cửa khẩu giảm mạnh trong những ngày qua khi cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát dịch thì các mặt hàng đã đến chờ tại cửa khẩu như thanh long, dưa hấu, rau củ bị ùn ứ nằm chờ thông quan tại cửa khẩu.
Quyết định cấm biên dài ngày còn khiến cho các chủ xe container phải bỏ ra nhiều chi phí duy trì chất lượng hàng hóa, thêm tiền bến bãi, ăn ở và còn phải đối mặt với nguy cơ phải bù lỗ nếu hàng bị hỏng không thể xuất.
Sáng 5/2, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã được kiểm tra công tác phòng dịch để thông quan 66 container đang ách tắc. Dù đây là giải pháp gỡ vướng hàng hóa, nông sản ứ đọng trong những ngày qua nhưng vẫn còn rất nhiều tiểu thương bị ảnh hưởng.
Những tác động tiêu cực sẽ không dừng lại ở 2 lĩnh vực đó, mà rất nhiều lĩnh vực khác như: kinh doanh, thực phẩm, du lịch, giao thông có thể bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc các công nhân của Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhóm ngành hàng được hưởng lợi
Nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi như các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế nhưng quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ lẻ.
Điều này thể hiện vô cùng rõ trong phiên giao dịch ngày 31/1, hầu hết các cổ phiếu ngành hàng không đều giảm sâu. Mức giảm lớn nhất là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines với 7%; cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam giảm 5,3%; cổ phiếu FLC - công ty mẹ của Bamboo Airways cũng giảm hơn 5%; VJC của Vietjet Air có mức giảm nhẹ nhất 4,4%.
Ngược lại cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang ghi nhận mức tăng 5,7% lên 93.000 đồng/cp; IMP của Imexpharm tăng 2,6%; DCL của Dược Cửu Long tăng 3,4%...
Với bán lẻ truyền thống, hoạt động thương mại điện tử có vẻ được ưu tiên lựa chọn hơn. Các siêu thị vắng bóng người đi mua sắm, nhưng nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát lại gia tăng.