Tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng (TCTD) ở Việt Nam rất lớn. Có lẽ do vậy, không phải ngẫu nhiên các định chế tài chính, ngân hàng, các công ty tài chính (CTTC)… tham gia mạnh mẽ vào thị trường này, thưa ông?

Đúng vậy. Chúng ta thấy VPBank có FE Credit, HDBank có HD Finance và MB có Mcredit…

Thị trường TCTD Việt Nam khá hấp dẫn, do nhu cầu tiêu dùng cao, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và tính đa dạng hóa của dịch vụ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các loại hình định chế phục vụ phát triển kinh doanh lĩnh vực này rất đa dạng, tiện ích.

Những "con gà đẻ trứng vàng" luôn trong "tầm ngắm" của nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định của NHNN việc xin cấp phép thành lập CTTC tiêu dùng rất khó khăn, nên con đường M&A là con đường ngắn nhất để các đối tác nước ngoài tham gia vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Nếu hoạt động của các CTTC được triển khai bài bản, chỉn chu thì đây là mảng tiềm năng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các CTTC và cho cả nền kinh tế.

Là một thị trường được đánh giá đầy tiềm năng để phát triển, nhưng thực tế cho thấy tín dụng đen vẫn đang len lỏi mạnh trong xã hội. Điều này cho thấy, đâu đó vẫn có những khoảng trống…

Như chúng ta đã biết, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 1990, khi lĩnh vực cho vay này được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính, dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (gấp 7 lần so với mức 230.000 tỷ đồng năm 2012). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 20,5%, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 12-14%).

Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng phục vụ mua nhà, sửa nhà (khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2019 chỉ khoảng 12,3% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là mức tương đối thấp so với khu vực, quy mô của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và đây cũng là một kẽ hở để tín dụng đen phát triển bởi nhu cầu tín dụng trong dân vẫn còn rất lớn.

Vậy nhưng đâu đó vẫn có những phàn nàn về các công ty tài chính tiêu dùng…

Chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau là một tấm huân chương bao giờ cũng có hai mặt.

Từ nhiều thập kỷ trước đã có những tranh luận về thị trường tín dụng phi chính thức và thị trường tài chính tiêu dùng. Nhìn khái quát, thị trường tài chính tiêu dùng đã và đang cung cấp vốn nhanh, cấp bách cho người dân.

Theo đó, có 2 quan điểm: cần phải ngăn chặn, "siết" lại vì có nhiều khía cạnh không tích cực; và quan điểm khác mà tôi thiên về quan điểm này cùng với nhiều nhà kinh tế cho rằng: thay vì "bóp", kiểm soát dẫn đến triệt tiêu sự phát triển, cần phát triển và kết nối những khía cạnh tích cực với nhau. Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng những mặt tích cực của thị trường này, dựa trên quan điểm phát triển để định hướng, khai thác và phát huy những thế mạnh của tài chính tiêu dùng.

Cần tạo những cơ chế thúc đẩy thị trường TCTD phát triển, khi đó, khắc cái tốt sẽ đè cái xấu trong thị trường này xuống, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình tương tự trên thế giới, ông thấy có gợi ý nào cho Việt Nam?

 

Kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy, ứng xử khôn ngoan là thúc đẩy thị trường mà không "bóp nghẹt". Bởi dù muốn hay không, thị trường này vẫn theo xu hướng phát triển, đặc biệt trong kỷ nguyên số.

Do vậy, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng hỗ trợ thị trường. Cần có chính sách khuyến khích các công ty tài chính mở rộng mạng lưới hoạt động ở những vùng chưa thể hoặc rất khó đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, các sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân, phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và nền kinh tế; đặc biệt là lộ trình số hóa và nâng cao trách nhiệm khi cho vay.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng tiêu dùng và nhận diện các hành vi biến tướng của tín dụng đen như cho vay với lãi suất cắt cổ.

Thị trường mênh mông, đa dạng nên mọi nỗ lực đều nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là "gạt" được tín dụng đen, để phát triển thị trường TCTD đồng hành cùng với khu vực chính thức.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nganh-tai-chinh-tieu-dung-ung-xu-khon-ngoan-la-thuc-day-thi-truong-phat-trien-20201231000000610.html