Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý III/2015 được công bố bởi công ty Nielsen mới đây, Việt Nam là quốc gia xếp hạng thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng.
Trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chiều hướng sụt giảm thì niềm tin của người tiêu dùng Việt tăng nhẹ, đạt 105 điểm, (tăng 1 điểm so với quý trước và tăng 3 điểm so với cùng kỳ năm ngoái).
Báo cáo cho thấy khu vực Đông Nam Á vẫn là khu vực tự tin và lạc quan nhất trên toàn cầu dù có sự sụt giảm về chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở một số quốc gia trong quý này.
Dù giảm 5 điểm so với quý trước, nhưng Philippines vẫn là quốc gia đứng thứ 3 toàn cầu về mức độ lạc quan với 117 điểm; Indonesia xếp thứ 4 với 116 điểm (- 2 điểm) trong khi Thái Lan vẫn đạt 111 điểm (ngang với quý trước) và xếp hạng 5 toàn cầu.
Trong quý này, Singapore tăng 2 điểm, đạt 101 điểm. Trong khi đó, Malaysia lại sụt giảm lớn nhất trong khu vực, giảm 11 điểm so với quý trước, đạt 78 điểm và là quốc gia bi quan nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, đặc điểm chung của người tiêu dùng ở sáu quốc gia được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á là tập trung xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai của họ.
Bằng chứng là hơn 7 trên 10 đáp viên (71%) đã cho biết họ ưu tiên tiết kiệm đối với các khoản tiền nhàn rỗi của mình.
Và khi nói đến tiết kiệm thì Việt Nam vẫn luôn là quốc gia đứng đầu toàn cầu với 78% người tiêu dùng khẳng định điều này (tăng 3 điểm so với quý 2), tiếp đến là Indonesia (74%), Philippines (67%), Singapore (66%), Thái Lan (64%) và Malaysia (64%)
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt vẫn luôn có xu hướng hạn chế chi tiêu cho các khoản chi phí trong gia đình.
Hơn 8 trong 10 người Việt (86%) đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí bởi hầu hết họ đều cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng ở thời điểm hiện tại.
So với cùng kỳ năm ngoái, có đến ba trên năm người Việt (60%) cho hay họ tiết kiệm các chi phí có liên quan đến khí đốt, điện và các khoản chi tiêu giải trí bên ngoài gia đình.
Hơn một nửa người tiêu dùng cũng đã cắt giảm các khoản chi tiêu cho quần áo mới (56%) và chi phí tiền điện thoại (47%).
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt cũng cho hay, sau khi trang trải các chi phí thiết yếu trong cuộc sống, họ cũng sẵn sàng dành tiền cho các khoản chi tiêu khác như các kỳ nghỉ/du lịch (42%) và trang trí/sửa chữa nhà cửa (41%) cũng như mua quần áo mới (39%).
Dự kiến trong 6 tháng tới, tình trạng thực tại của nền kinh tế và sức khỏe sẽ là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam (17%).
Bên cạnh đó, 15% người tiêu dùng Việt sẽ lo lắng về tình hình công việc, 10% đặt mối quan tâm đến các hóa đơn thiết yếu phải chi trả (điện, nước, internet, gas…) và 9% quan tâm đến tình trạng cân bằng trong công việc/cuộc sống.