Báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Nielsen cho hay: Việt Nam vẫn giữ vị trí "đầu bảng" trong số các quốc gia chi tiêu tiết kiệm nhất.

79% người tiêu dùng Việt khẳng định họ luôn chi tiêu tiết kiệm.

Còn đối với Indonesia, con số này là 75%, Philippines 65%, Singapore 64%, Malaysia 63% và Thái Lan 60%.

Theo Nielsen, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng tại Việt Nam, khuynh hướng thay đổi thói quen chi tiêu để tiết kiệm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng.

Khảo sát này chỉ ra rằng, 8 trong 10 người Việt đã điều chỉnh thói quen trong 12 tháng qua để hạn chế các khoản chi tiêu của mình.

Cụ thể, 3 trong 5 người Việt đã tiết kiệm chi phí ga và điện cũng như cắt giảm mua sắm quần áo mới so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, 54% người Việt cũng đã giảm chi tiêu cho các khoản giải trí bên ngoài gia đình và 42% người Việt giảm chi phí sử dụng điện thoại.

Vậy người Việt tiết kiệm các khoản đó để làm gì?

Câu trả lời mà Nielsen đưa ra là để mua nhà riêng, dành tiền đi du lịch, sửa chữa nhà cửa, mua sắm các sản phẩm công nghệ mới…

Cụ thể: Các kỳ nghỉ/du lịch (44%, +2 điểm), mua sắm quần áo mới (44%, + 5 điểm), trang trí/sửa chữa nhà cửa (40%, -1 điểm), các sản phẩm công nghệ mới (38%, +2 điểm) cũng như các hoạt động giải trí bên ngoài (37%, +3 điểm).

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của người Việt cũng thay đổi dần, không chỉ là mua sắm thường ngày mà dành tiền cho những kế hoạch dài hơn như mua nhà, mua xe ô tô…

Tuy nhiên, lo lắng suy thoái vẫn khiến 5 trong 10 người Việt (52%) quan tâm và lo lắng vì họ tin rằng nền kinh tế quốc gia vẫn chưa phục hồi.

Hơn 1/3 người Việt cũng cảm nhận rằng viễn cảnh công việc vẫn không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí còn có phần tiêu cực hơn (37%).

Do đó, suy thoái kinh tế và vấn đề đảm bảo công ăn việc làm vẫn là 2 mối lo và quan tâm lớn của người tiêu dùng với 1/4 người tiêu dùng lo lắng về nền kinh tế quốc gia (24%) và quan tâm đến tình trạng việc làm của bản thân (25%).

Tuy nhiên, gần 1/3 người tiêu dùng (34%) cũng đã chỉ ra rằng sức khỏe mới chính là vấn đề được họ quan tâm và lo lắng nhiều nhất trong vòng 6 tháng tới.

Các mối quan tâm khác của người tiêu dùng trong top 10 đó là cân bằng cuộc sống/công việc, việc tăng các chi phí hóa đơn thiết yếu và giá thực phẩm (18%), tội phạm (9%), giá dục dành cho trẻ em và tăng giá xăng dầu (8%) cũng như vấn đề nợ (7%).

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam