Mua hàng online trở nên phổ biến
Tìm kiếm trên Google đang là công cụ phổ biến và thông minh nhất cho những người dùng Internet. Chỉ cần bạn đánh 1 từ khóa ngắn hay dài, Google đều cho ra hàng ngàn, thậm chí hàng triệu kết quả để người dùng tra cứu.
Cùng với việc công nghệ phát triển đã khiến cho việc mua hàng online trở nên phổ biến, nhất là ở những khu vực thành thị.
Theo khảo sát của Criteo, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trong khu vực truy cập các trang thương mại điện tử nhiều nhất, chỉ sau Thái Lan. Người Việt dành trung bình khoảng 26,2 giờ/tháng lướt web mua sắm online.
Còn Công ty Dịch vụ Đo lường toàn cầu Niesel cho ra bản báo cáo, trong số những người tiêu dùng truy cập vào Internet thì có đến 98% đã bỏ tiền để mua sắm trực tuyến, tăng 1% so với năm ngoái.
Theo báo cáo cụ thể về hành vi người dùng của Criteo, hơn 90% người dùng Việt Nam mua sắm ít nhất một lần một tháng bằng cách sử dụng ứng dụng bán lẻ, trong khi 60% người làm điều này 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi tháng.
Như vậy, người Việt đã dành khá nhiều thời gian để shoping online thay vì xách giỏ đi chợ, ra cửa hàng như ngày xưa. Điều này cũng cho thấy sợi dây ranh giới giữa chợ truyền thống và chợ online đã dần mờ đi trong nếp nghĩ của họ.
Người Việt theo xu hướng book vé online
Người Việt có điểm khác biệt trong lựa chọn mặt hàng mua sắm online so với người dùng internet trên thế giới. Trong khi ở các nước, người dùng ưu tiên mua sắm thời trang, phụ kiện qua mạng thì người Việt lại có thói quen đặt vé đi lại, du lịch. Thực phẩm, phụ kiện giải trí nhỏ lẻ cũng được người dân đặt mua qua mạng rất nhiều.
Cụ thể, khoảng 67,3% người được hỏi cho biết họ thực hiện dịch vụ thuê xe, book xe qua mạng. Trong số đó, khoảng 55% đặt khách sạn và các dịch vụ lưu trú qua Internet. 45% đặt mua vé máy bay trực tuyến.
Mặt hàng thực phẩm cũng được người Việt chú ý khi có khoảng 24% người được hỏi truy cập internet để đặt hàng dịch vụ này. Trong đó, 17% thường xuyên đặt hàng thực phẩm tươi sống và đồ ăn khô, tăng 5% so với năm trước.
Đối với các nhóm hàng như thiết bị điện tử, tiêu dùng; thời trang và phụ kiện; trang sức và đồng hồ cao cấp cũng có trên 50% người được hỏi mua hàng này. Hàng tạp hóa nhỉnh hơn một chút khi có 52,1% người thường xuyên đặt mua qua mạng.
Khảo sát trên hoàn toàn trái ngược so với năm 2017. Năm trước, người dùng lại có xu hướng mua các sản phẩm thời trang online nhiều nhất (64%). Theo sau là hàng tạp hóa (51%) và các sản phẩm dịch vụ du lịch (47%) trực tuyến.
Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc cấp cao của Nielsen Việt Nam cho rằng, với những người mua sắm online lần đầu, họ thường chọn các sản phẩm du lịch, thời trang nhưng một khi mức độ tin cậy tăng lên, họ sẽ mở rộng sang các sản phẩm làm đẹp, mẹ và bé, thậm chí là thực phẩm tươi sống.
Tuy nhiên, dù xu hướng mua sắm online ngày càng tăng nhưng tiền mặt vẫn là phương thức được ưa chuộng trong chi tiêu hàng ngày ở Việt Nam. Thanh toán qua thẻ ở Việt Nam hiện chưa đầy 5%, kém xa các nước trong khu vực như Malaysia là 89%, Thái Lan là gần 60%, Trung Quốc là hơn 26%, theo số liệu của World Bank.
Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, kiêm Phó Tổng giám đốc Vietcombank trả lời truyền thông: "Ngay như với hành vi mua hàng trực tuyến, chúng ta vẫn không thanh toán trực tuyến. Thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỉ trọng lớn, thẻ ghi nợ nội địa, quốc tế, ví điện tử chỉ chiếm một phần rất nhỏ".
Có thể, lý do người dân Việt Nam chọn tiền mặt là phương thức thanh toán chủ yếu là vì thói quen, tập quán, suy nghĩ và cảm thấy tiền mặt thuận tiện hơn, an toàn hơn hoặc thói quen cẩn thận kiểm tra hàng hóa trước khi trả tiền.