Sau khi xịt côn trùng, cần phải mở cửa thông thoáng, bật quạt khoảng 1 tiếng mới vào nhà tránh tình trạng ngộ độc. Ảnh minh họa
Chóng mặt, bỏng từ bình xịt muỗi
Mấy ngày gần đây, thời tiết nóng ẩm rồi lại đột ngột chuyển sang rét lạnh khiến cho muỗi lộng hành. Nhà gần ruộng rau nên muỗi rất nhiều, gia đình bác Vũ Thị Thảo (ở Quốc Oai, Hà Nội) thường xuyên xịt thuốc muỗi. Sau khi sử dụng không ít lần ông bà thấy nhức đầu, chóng mặt như say vì mùi thuốc nồng nặc trong nhà.
Trước đó, Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Trưng Vương) đã từng tiếp một bệnh nhân bị bỏng do sử dụng bình xịt muỗi. Theo lời kể, bệnh nhân mua bình xịt muỗi về nhà đóng kín phòng rồi xịt một lượng lớn để diệt muỗi. Tuy nhiên, sau khi xịt xong thì mất điện, bệnh nhân mở cửa phòng vào bật quẹt lửa thắp nến thì lửa bùng lên do nồng độ hóa chất trong phòng còn quá nhiều khiến bệnh nhân bị bỏng.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về những tai nạn này, PGS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học, ĐH Tự nhiên, Đại học Quốc gia, Hà Nội cho biết, nguy cơ bỏng từ bình xịt muỗi là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi thuốc xịt, bình xịt côn trùng thường là một số chất hoá học tổng hợp thuộc nhóm pyrethroids như: Tetramethrin, cypermethrin, iminoprothrin hay nhóm Carbamate như propoxur… Các hợp chất trong dung dịch thuốc xịt côn trùng thường được pha chế bởi các dung môi hữu cơ dễ bén lửa. Việc dùng các loại thuốc xịt từ trước vẫn thường được khuyến cáo không được tiếp xúc gần nguồn lửa vì dễ gây cháy.
Theo BS Nguyễn Thống, Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), ông chưa gặp trường hợp nào bị bỏng do liên quan đến thuốc xịt muỗi, xịt côn trùng… nhưng người sử dụng cũng nên cẩn trọng trước nguy cơ dễ cháy của các dung môi trong thuốc xịt.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong trường hợp bị bỏng từ bình xịt mọi người cũng cần lưu ý cách sơ cứu ban đầu. Bỏng do những hóa chất thường sẽ gây tổn thương sâu, điều trị khó và thường để lại di chứng nặng nề. Dù là chất nào khi bị dính vào cơ thể nạn nhân cũng nên rửa ngay và rửa liên tục trong vòng 15-30 phút dưới vòi nước, không dùng bất kỳ chất dung hòa nào. Cách làm này sẽ làm trôi và pha loãng hóa chất còn đọng lại trên vết thương. Thứ hai là, phản ứng nhiệt sẽ giảm đi trong quá trình hóa chất tiếp xúc với mô. Việc bôi các thứ mà dân gian truyền miệng lên như kem đánh răng, nước mắm, chườm nước đá… chỉ làm tổn thương nặng thêm.
Ngộ độc vì sử dụng sai cách
PGS.TS Trần Hông Côn cho biết, không chỉ có khả năng dễ cháy gây bỏng mà thuốc xịt muỗi, côn trùng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc cho người dùng. Mặc dù các sản phẩm thường được nói là không gây độc hoặc tác dụng phụ không đáng kể đến sức khỏe con người. Nhưng trong thực tế sản xuất, người ta không sử dụng các hoạt chất này ở dạng tinh khiết mà còn chứa các tạp chất khác nên vẫn gây độc cho con người khi dùng phải loại không đảm bảo chất lượng, không đúng hướng dẫn.
Sản phẩm chứa hoá chất càng mạnh, côn trùng càng mau chết thì khả năng gây ngộ độc cho con người khi tiếp xúc càng cao. Hơn nữa, các loại bình xịt côn trùng, thuốc trừ muỗi đa phần đều pha thêm hương liệu để át mùi khó chịu của hoá chất. Nhiều người khi dùng chủ quan lạm dụng xịt quá liều và khi xịt quên những yêu cầu an toàn tối thiểu như đeo găng tay, khẩu trang… sau dùng thường thấy có những biểu hiện nhức đầu, chóng mặt. Thành phần hóa chất có thể gây các phản ứng trên cơ thể người như gây ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm tri giác, ngứa da…
Tuy là nguy cơ ngộ độc cấp tính do sử dụng thuốc xịt muỗi, côn trùng không cao nhưng nếu dùng những hóa chất này một cách vô tội vạ, tiếp xúc liên tục, trong thời gian kéo dài cũng có thể gây ngộ độc mạn. Bởi vậy tốt nhất vẫn không nên quá lạm dụng các loại hóa chất này, mà trong cuộc sống hàng ngày cần chú ý dọn vệ sinh sạch sẽ, giữ cho nhà cửa khô thoáng, không khí trong lành để hạn chế côn trùng.
Để sử dụng thuốc xịt gián an toàn, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn hãng thuốc có uy tín, nguồn gốc và thời gian sử dụng rõ ràng, sử dụng đúng theo hướng dẫn, liều lượng ghi trên bình thuốc. Nếu dung môi để pha chất độc diệt côn trùng có khả năng bắt lửa thì sẽ có cảnh báo ở trên thành phẩm.
Ngoài ra, không để bình xịt đó gần tầm với của trẻ em, không để thuốc gần thức ăn hay vật nuôi, không chúc ngược bình, rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt, không đập vỡ bình hay ném bình vào lửa ngay cả khi bình đã hết… Khi phun, xịt thuốc cũng cần hết sức lưu ý cách bảo vệ như đeo găng tay, bịt khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Khi phun xong đóng cửa cho côn trùng, muỗi chết sau đó đi ra ngoài tránh hít phải mùi thuốc quá nhiều. Sau đó phải mở cửa thông thoáng, bật quạt khoảng 1 tiếng mới cho người vào, nếu không vẫn có thể ngộ độc như thường.
Xử lý tai nạn với bình xịt muỗi, côn trùng - Sử dụng thuốc diệt muỗi, côn trùng dính vào cơ thể ở nồng độ lớn có thể gây kích ứng, bỏng rát da. Khi đó nhanh chóng thay quần áo mới và rửa sạch vùng dính thuốc bằng nước lạnh. Trường hợp vào mắt cần ngâm mắt vào nước ngay. Nước sẽ làm loãng nồng độ thuốc và giúp làm giảm sự kích ứng. - Nếu nạn nhân hít phải thuốc thì di chuyển nạn nhân tới nơi không khí thoáng sạch. Nếu vô tình cho vào miệng cần lập tức súc miệng sạch thật nhiều lần, nhanh chóng đưa tới bệnh viện, giữ lại bình thuốc để giúp nhân viên y tế biết được hoạt chất gây ngộ độc. Theo PGS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học, (ĐH Tự nhiên, Đại học Quốc gia, Hà Nội) |
Phương Thuận