“Bong bóng” bất động sản khó xuất hiện

Tuy có một số dấu hiệu giống cơn sốt 2006 - 2007, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, chưa thể xuất hiện tình trạng “bóng bóng” trên thị trường địa ốc TP.HCM. Lý do, vì thị trường hiện nay đã có sự can thiệp, điều chỉnh kịp thời và hiệu quả của Nhà nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư thứ cấp cũng ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.

Ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận Định giá và Nghiên cứu thị trường bất động sản của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, khó có khả năng xảy ra "bong bóng" trong thời điểm này, bởi thị trường chưa hội đủ các yếu tố để tạo nên "bong bóng", như kinh tế phát triển nóng, chính sách tín dụng bị buông lỏng, lệch pha trong cung cầu và có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư thứ cấp.

Thị trường bất động sản chưa thể có “bong bóng” và thời điểm này. Trong ảnh là lễ mở bán Dự án Thủ Thiêm Dragon (quận 2, TP.HCM). Ảnh: Gia Huy.

Ông Phước phân tích, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng chậm, chưa có biểu hiện phát triển nóng; chính sách tín dụng cũng vẫn được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt và không có hiện tượng buông lỏng tín dụng.

“Còn về yếu tố lệch pha cung - cầu, thị trường đúng là đang có hiện tượng này, nhưng chủ yếu chỉ ở phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, nên yếu tố này chưa đủ điều kiện để dẫn đến “bong bóng”. Ngoài ra, đúng là thị trường cũng đang có sự gia tăng nhanh số lượng các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng tỷ lệ mới ở mức trên dưới 50% và chỉ trong phân khúc bất động sản cao cấp, nên chưa đủ tạo nên những đợt sống ảo”, ông Phước nói.

Tuy nhiên, theo ông Phước, dù thị trường chưa có dấu hiệu xuất hiện bong bóng, người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ vẫn cấp cần tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời, không nên đầu tư lướt sóng theo số đông. Trong khi doanh nghiệp chủ đầu tư cũng cần kiểm soát số lượng nhà đầu cơ, không nên bán nhiều sản phẩm cho 1 người.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà đầu tư liều lĩnh săn đất nền chưa hoàn thiện pháp lý

Theo chia sẻ của môi giới, hầu hết người mua đều là nhà đầu tư lâu năm, họ chọn mua thời điểm chưa hoàn thiện pháp lý vì giá đất lúc này rất rẻ, thậm chí rẻ hơn 50% so với giá sau khi lên sổ. “Nếu mua đầu tư thì thời điểm này sẽ sinh lợi cao nhất còn khách mua bình thường hầu như không ai dám liều lĩnh vì không biết sẽ mất tiền lúc nào”, một môi giới cho biết.

Kết quả khảo sát của phóng viên tại một vài dự án khác quanh khu vực quận 9 cho thấy, có khá nhiều người tranh nhau xuống tiền ký hợp đồng góp vốn dù biết rõ đất chưa được cấp phép tách thửa và ra sổ. Nhiều khách hàng còn nhờ môi giới tìm kiếm các khu đất đang trong quá trình ra sổ để đầu tư vì muốn kiếm lời nhiều.

Những dự án phân lô bán nền khi chưa hoàn thiện pháp lý thường tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

“Không giống như mọi người vẫn nghĩ, dòng sản phẩm này thật ra bán rất chạy. Mình tư vấn thật tâm là dự án đã trình hồ sơ, bước đầu được xét duyệt, có thể mất 2-3 năm mới ra sổ được. Khách họ mua là do muốn đón đầu dự án vì thời điểm này giá rất mềm. Đợi ra sổ rồi thì khó mà có giá như hiện tại. Một ngày mình dẫn cả chục khách đi xem đất, nhà đầu tư mua chiếm đến 70%, thỉnh thoảng cũng có khách mua ở nhưng đối tượng này không nhiều”, chị Thu Thủy, một môi giới nhà đất sàn Tam Bình chia sẻ.

Theo quan sát của PV, đa phần các dự án được dân đầu tư ưa chuộng đều phải đáp ứng yêu cầu đã hoàn thiện san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông. Đối với các dự án đất trống thì người mua vẫn e dè rất nhiều. Chủ đầu tư các dự án này cho biết, họ không giấu thông tin với khách hàng bởi người tìm mua đa phần đều là dân đầu tư lâu năm, phần nhiều biết cách tìm kiếm thông tin.

Xem chi tiết tại đây.

Shophouse có dấu hiệu biến tướng thành nhà ở thông thường

Khu nhà phố thương mại tại B4 Nam Trung Yên, Hà Nội được giới thiệu của thương hiệu Vimefulland thuộc tập đoàn Dược phẩm Vimedimex. Thoạt đầu, nhân viên bán hàng giới thiệu các shophouse có giá trên hợp đồng khoảng 12 tỷ đồng/căn 120m2. Tuy nhiên, người bán hàng cho biết, đó chỉ là giá trên hợp đồng, người mua sẽ phải trả 18 tỷ đồng tiền chênh và tổng giá trị thực tế của một căn shophouse là 30 tỷ đồng/căn.

Tương tự, dự án Shophouse Vạn Phúc (hay còn gọi là Khu nhà phố thương mại 24h) có địa điểm tại Hà Đông, Hà Nội có giá 170 triệu/m2 tiền đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số khách hàng khi có ý định đầu tư mua căn hộ shophouse tỏ vẻ nghi ngại trước việc giá ghi trong hợp đồng mua bán chênh từ chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông.

Shophouse B4 Nam Trung Yên đang có tiền chênh lên tới hàng chục tỷ đồng.

Không thể phủ nhận shophouse đang chứng tỏ sức hấp dẫn khiến đa số nhà đầu tư quyết mua cho bằng được. Chẳng thế mà ngoài hai dự án trên, tại Hà Nội rất nhiều dự án shophouse khác cũng đang bán giá chênh rất cao. Cụ thể, biệt thự, liền kề một dự án tại Tây Hồ Tây cũng đang được rao bán mức giá chênh từ một đến 3 tỷ đồng mỗi căn có giá hợp đồng dao động từ 16 - 25 tỷ đồng. MonCity (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Vinhome Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội)… ra hàng đến đâu hết đến đó, chênh từ vài trăm đến tiền tỷ là điều dễ hiểu.

Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR) cho biết thực chất đây là chiêu né thuế của chủ đầu tư. Ông Quỳnh tiết lộ, chủ đầu tư trước khi công bố mở bán đã cho một số nhà đầu tư đứng tên trong hợp đồng với giá trị thực thấp, sau đó chuyển nhượng cho người mua mới nhưng đẩy giá chênh cao. Khoản chênh thường là thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ nên không ghi nhận vào giá trị tính thuế.

Xem chi tiết tại đây.

Thủ tướng: Ngăn chặn tuyệt đối đầu cơ, chuyển nhượng đất quanh sân bay Long Thành

Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp cần thiết để phòng, chống, xử lý, ngăn chặn tuyệt đối các trường hợp đầu cơ, chuyển nhượng, xây dựng nhà trái quy định của pháp luật tại khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành.

Đồng thời UBND tỉnh phải công khai đầy đủ các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách và công tác quản lý đất đai của cơ quan nhà nước đối với khu vực sân bay.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức liên quan (nhất là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn) tuyệt đối không lấn chiếm, tái lấn chiếm, không vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý đất đai trên địa bàn về trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật đất đai; tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng móc ngoặc, tiếp tay cho các vi phạm về đất đai, nhất là khu vực xung quanh dự án

Xem chi tiết tại đây.

Vì sao chi phí làm đường sắt Hà Nội giảm 1.000 tỷ mỗi km?

Ngày 22/11, ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã thông tin về việc dự án đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình "giảm chi phí sau rà soát". 

Theo đó, năm 2008, UBND TP. Hà Nội cho phép chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, dài 5,9 km. Năm 2012, Ban quản lý hoàn thành thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình UBND TP Hà Nội với tổng mức đầu tư 34.700 tỷ đồng.

Hà Nội đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị để hạn chế xe cá nhân. Ảnh minh họa: Bá Đô.

Đến năm 2017, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã rà soát, khái toán lại tổng mức đầu tư và giảm xuống còn 28.900 tỷ đồng. 

Như vậy, con số tính toán mới sau rà soát cho thấy mức đầu tư giảm 5.825 tỷ đồng, tương đương mỗi km được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây.

Bộ Giao thông lo ngại tính khả thi của dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản góp ý gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM về đề xuất dự án đầu tư xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn theo hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Đây là dự án do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, thuộc Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch đề xuất vào đầu năm 2017.

Bộ cho rằng, nhà đầu tư cần làm rõ hướng, tuyến, địa điểm thực hiện trên cơ sở rà soát quy hoạch phát triển giao thông quốc gia, cũng như TP HCM. Hơn nữa, doanh nghiệp cần làm rõ cơ sở tính toán, số liệu phân tích lưu lượng giao thông dự báo để xác định quy mô mặt cắt ngang, số làn xe yêu cầu. Đặc biệt, cơ quan này nhấn mạnh, phương án đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu cần bổ sung dự báo quy hoạch phát triển đô thị ở tương lai xa (khoảng 30-40 năm). 

Các phương án kết nối của đại lộ này với phương thức vận tải khác như đường sắt nội đô, đường thủy, đường hướng tâm, đường vành đai, cao tốc... và kết cấu hạ tầng kèm theo những phương thức vận tải này cũng được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu làm rõ. 

Theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 63.500 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 15%. Số còn lại, nhà đầu tư đề xuất được nhà nước phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn dự phòng với tổng giá trị 57.568 tỷ đồng. Trong thời gian xây dựng, Tập đoàn Tuần Châu mong muốn  mức lãi suất được hưởng là 11% một năm. 

Xem chi tiết tại đây.

TP.HCM: Nhà đầu tư “vỡ mộng” vì mong làm giàu nhờ chung cư cũ

Năm 2014, ông Nguyễn Quang Thắng, ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) quyết định mua 3 căn chung cư tại lô H, G, E của chung cư cũ Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với giá hơn 600 triệu đồng/căn 45 m2. Ông Thắng cho biết, việc mua chung cư cũ nhiều như vậy để đầu tư, bởi khi đó ông nghe thông tin Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp vào cải tạo chung cư cũ.

Nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt vì đầu tư căn hộ chung cư cũ với kỳ vọng kiếm lời từ tiền đền bù. Ảnh: Gia Huy.

“Nếu doanh nghiệp vào cải tạo, chỉ tính đền bù, nhà tôi cũng lời, hoặc thậm chí họ cải tạo xong, 3 căn nhà của tôi được làm mới và giá bán chắc sẽ tăng rất cao”, ông Thắng tính toán.

Tuy nhiên, tính toán đi trước đón đầu đó của ông Thắng hoàn toàn phá sản khi tới thời điểm này, TP.HCM chưa thể thực hiện cải tạo chung cư cũ Thanh Đa, khiến gần 2 tỷ đồng của ông vẫn “chôn chân” tại chỗ. Thậm chí, ông Thắng cho biết, mới đây, vì kẹt tiền làm ăn, ông chào bán 1 trong 3 căn chung cư cũ trên, nhưng khách trả chỉ hơn 400 triệu đồng.

Xem chi tiết tại đây.

Theo Quý Dương/Reatimes