Thu nhập thấp vì khan hiếm nhân tài
An Giang là trọng điểm lúa gạo của vùng ĐBSCL, với những cánh đồng lúa bạt ngàn cho năng suất cao hơn so với các địa phương. Thế nhưng, nhiều nông dân ở đây cho biết, cuộc sống của họ luôn phải đối mặt những khó khăn bởi điệp khúc “được mùa mất giá”. Đó cũng là tình trạng chung của phần lớn các địa phương trong vùng, và không chỉ riêng cây lúa, mà còn với các loại sản vật trái cây, thủy sản...
Anh Trần Thanh Bình sinh ra và lớn lên ở vùng đất Châu Thành, An Giang. Thuở nhỏ đã quen với những thửa ruộng, mảnh vườn, những mùa nước nổi dập dềnh cá tôm. Thế nhưng lớn lên gia đình lại quyết định cho “ly hương” để tìm cuộc sống ổn định ở nơi Sài Gòn phồn hoa đô hội.
“Gia đình tôi 3, 4 đời làm nông, ruộng vườn không ít. Những năm gần đây nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất tăng đáng kể, nhưng thu nhập vẫn không vượt lên được. Trung bình chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm, không thiếu thốn nhưng cũng không thể giàu. Với mức thu nhập như vậy, việc cho con cái đi học đại học ở TP.Hồ Chí Minh cần phải gắng sức rất lớn của gia đình, không loại trừ chuyện phải vay mượn”, anh Bình cho biết.Bình tốt nghiệp ngành điện tử đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh năm 2008, từng tính về quê tìm việc làm cho gần nhà nhưng bất thành. Anh đành ở lại thành phố, chật vật chen chân vào lực lượng sửa chữa đồ điện tử ở khu vực chợ Nhật Tảo. “Chỉ sau 1, 2 năm học nghề và kiếm mối, hiện tôi đã có cửa hiệu nhỏ trong hẻm đường Nhật Tảo với thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng. So với người Sài Gòn chừng đó không cao, nhưng so với đám bạn phổ thông ở quê tôi vẫn thuộc “hàng top”, vì nhiều người hiện vẫn theo nghề nông có thu nhập bằng 20 - 30% của tôi”, anh Bình chia sẻ.
Tại hội thảo quốc gia “Phát triển nông thôn ĐBSCL: Từ thực tiễn đến chính sách” do trường đại học KHXH&NV, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức tháng 10/2018, một vấn đề được đặt ra và gây không ít trăn trở với giới chuyên gia, đó là: Mặc dù là vựa lúa, vựa cá, đóng góp 17% GDP cả nước, nhưng mức thu nhập của người dân ĐBSCL vẫn khá thấp, với hơn 40 triệu đồng/người/năm so với bình quân của cả nước đạt gần 48 triệu đồng/người/năm.
Đó là một trong những lý do khiến cho khoảng 10 năm trở lại đây, có khoảng 1,7 triệu người dân di cư ra khỏi khu vực này, cao gấp 2 lần mức trung bình cả nước.
Đặc biệt cho đến giờ, khu vực này vẫn được xem là “vùng trũng” của giáo dục khi tỷ lệ người dân tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và có trình độ chuyên môn thấp nhất cả nước, thua cả Tây Nguyên, trung du miền núi phía Bắc. Tình trạng khan hiếm nhân lực có tay nghề, kỹ thuật, đặc biệt là nhóm nhân sự cấp cao - vốn được coi là “nhân tài”, là căn bệnh trầm kha.
Vì thiếu nhân lực trí thức nên không chỉ việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, mà cả việc tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, dự báo thị trường và kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu đều là những “mệnh đề nan giải”, khiến cho thế mạnh của vùng khó được phát huy.
“Tài nguyên nông nghiệp đất và nước đã khai thác rất nhiều, gần như không còn có thể mở rộng. Điều quan trọng nhất là nguồn nhân lực của vùng đang ở mức thấp, là rào cản cho sự phát triển. Nếu không tháo gỡ, kinh tế ĐBSCL sẽ phát triển chậm, không theo kịp các địa phương khác”, PGS, TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên trưởng khoa Nhân học, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh nhận định, đồng thời cho rằng việc phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này cần được coi là chiến lược đột phá mang tính ưu tiên.
Cần những “nông dân trí thức”
Một trong những vấn đề nan giải đối với nguồn nhân lực vùng ĐBSCL đó là trong khi mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực vốn đã thấp, số người di cư ra khỏi khu vực này phần lớn lại là người trẻ, được đào tạo chuyên môn. “Việc làm ở các tỉnh trong vùng đã ít, thu nhập không cao, nên không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đã thế, lực lượng lao động nông nghiệp lại dư thừa do nhiều công đoạn trong sản xuất nông nghiệp được tự động hóa, hiện đại hóa”, anh Nguyễn Văn Hùng, ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, phóng viên một tờ báo tại TP.Hồ Chí Minh nhận định.
Còn theo anh Trần Thanh Bình, gia đình anh có không ít người vốn là nông dân, nhưng vài năm trước đã rời bỏ ruộng vườn đến làm việc cho một số doanh nghiệp công nghiệp được mở tại những đô thị gần nhà. Tuy nhiên, cho đến giờ số người này vẫn chưa trở thành thị dân được, bởi họ không thể “an cư lạc nghiệp” khi công việc và thu nhập không ổn định, đặc biệt là việc tạo lập chỗ ở tại đô thị luôn là thách thức quá lớn.
Như vậy, trong khi nhóm “tinh hoa” có gốc gác miền Tây được trọng vọng và có thu nhập, cuộc sống tốt ở các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn, số nhân sự có chút kiến thức về nghề nghiệp lại chật vật tìm chỗ đứng và lo mưu sinh với “đích đến” cũng là những trung tâm đô thị lớn. Điều này khiến vùng ĐBSCL luôn khan hiếm nhân sự chất lượng, những lợi thế tiềm năng bị thiếu động lực để phát triển.
Vậy làm thế nào để có được một nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL?
Theo GS Võ Tòng Xuân, người đã tâm huyết gắn bó với nền nông nghiệp và cả sự nghiệp trồng người ở khu vực này từ hơn 40 năm qua, thì: “Trước hết phải hiểu rõ thực trạng của việc đào tạo nghề và sự phát triển các trường đại học, cao đẳng. Hiện các trường đào tạo nghề từ trung cấp đến cao đẳng chuyên nghiệp phần lớn chưa được quan tâm một cách đúng mức, chất lượng đào tạo cần cải tiến rất nhiều. Đặc biệt là chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích thanh niên học nghề. Vẫn còn diễn ra tình trạng trường trung cấp xin chuyển lên cao đẳng và nhiều trường cao đẳng xin chuyển lên đại học!
Về đào tạo nguồn nhân lực, vùng ĐBSCL nên dành ưu tiên số một cho lĩnh vực nông nghiệp. Đó là cây lúa, cây ăn quả, thủy sản… thời gian tới chúng ta rất cần những chuyên gia ở lĩnh vực này. Họ phải được đào tạo bài bản, có thể ứng dụng nền nông nghiệp 4.0, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường. Song song với đội ngũ kỹ sư, những nhà vi sinh vật… cũng cần nhân lực cho công nghệ sau thu hoạch trong nông nghiệp, thủy sản. Bên cạnh đó, trong khối ngành kinh tế cần có các chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp… Nguồn nhân lực này có trình độ chuyên môn cao, được học bài bản khi về các hợp tác xã sẽ đóng vai trò là các “CEO” để kết nối người nông dân, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước”.
Còn theo PGS,TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ: “Sự dịch chuyển lao động từ các vùng quê ra các trung tâm công nghiệp ở miền Đông Nam bộ là điều trăn trở của nhiều người. Trong chuyến công tác học tập tại Nhật Bản, trường đại học nước bạn có dẫn chúng tôi đi thăm một ông nông dân. Người dân này làm nông nghiệp chỉ khoảng 1,8 ha nhưng doanh thu một năm lên đến 2 triệu USD. Hỏi ông trồng gì, ông bảo trồng cái người ta cần. Mỗi năm ông đi các khách sạn 5 sao, các nhà hàng để liên kết trồng các loại rau, quả trang trí, làm đẹp cho các món ăn… Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ và trăn trở; mấu chốt vấn đề chính là ở tư duy, trình độ của người lao động.
2018 - năm đầu tiên trường ĐH Cần Thơ đưa sinh viên ngành nông nghiệp đi thực tập nông nghiệp tại Nhật Bản. Các em thực tập với thời gian 3 tháng để học được tư duy sản xuất, học được trách nhiệm, đạo đức sản xuất và thực sự trải nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao. Trong nước, nhà trường đã ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp để sinh viên đến thực tập. Trong đó có nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương ký kết với trường để đào tạo nguồn nhân lực... Làm những việc này chúng tôi mong muốn các em học ở Cần Thơ đi Bình Dương làm việc với tư cách là người có đào tạo, có trình độ, chứ không phải bỏ quê đi lao động chân tay”.
Đúng là đang có những chuyển động tích cực, bắt đầu từ tư duy của những người tiên phong để mở ra những hướng đi mới. Nhưng để những ý tưởng, tư duy mang tính đột phá ấy trở thành thực tế, với mục tiêu là xây dựng một lực lượng nhân sự hùng hậu và tinh nhuệ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực, cần phải có không ít thời gian, tâm huyết, nguồn lực. Và quan trọng nhất là cần có quyết tâm từ những cán bộ lãnh đạo cho tới mỗi người dân...