Thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TPXK Đồng Giao cho biết, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến tại tỉnh Gia Lai, nhà máy được đầu tư hiện đại, bao gồm nhà xưởng, kho bãi… nhằm sản xuất tập trung sản phẩm khép kín. Để vận hành nhà máy trên, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, tay nghề cao, có tinh thần cầu tiến, đam mê để tiếp cận công nghệ sản xuất. Mặc dù công ty đã đưa ra mức đãi ngộ rất cao nhưng việc tìm kỹ sư có trình độ vẫn khó khăn vô cùng.

Cùng với đó, vị Tổng Giám đốc Cty Đồng Giao cho biết, ngay cả với những nhân lực đã được tuyển cũng còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn thực tế cũng như am hiểu các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam.

Doanh nghiệp khát nhân lực chất lượng ngành nông nghiệp - Ảnh 1Thiếu nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cũng cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư phòng LAP công nghệ gen và rất cần người làm nhưng chưa có nhân lực. Nếu các trường có thể đào tạo được nhân lực về công nghệ gen thì tôi sẽ đặt hàng với nhà trường. Lương sẵn sàng trả tới 1.000 USD/tháng”.

Bộ trưởng  Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tại Việt Nam hiện có 54 cơ sở đào tạo có liên quan các ngành nông nghiệp, tốt nghiệp hàng vạn cử nhân. “Nhưng so với cầu về số lượng qua đào tạo chưa đáp ứng được, đặc biệt là chất lượng chưa đảm bảo, có đến 25% số cử nhân được đào tạo lĩnh vực nông nghiệp thất nghiệp phải chuyển nghề. Thậm chí, theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Trong đó, thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao là điều được các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đặc biệt quan tâm.

Theo đó, việc thu hút cán bộ khoa học công nghệ giỏi là khó, do vướng mắc nhiều vấn đề như thu nhập thấp,điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại địa bàn nông thôn không có hoặc ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Một số lĩnh vực nghiên cứu về thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp… đang có nguy cơ thiếu cán bộ nghiên cứu trầm trọng.

Mặt khác, cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ tới tâm huyết của các nhà nghiên cứu khoa học. Thị trường công nghệ chậm phát triển, các kết quả nghiên cứu được tạo ra khó giữ được bản quyền. Đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu là nông dân, người có thu nhập thấp nên việc chuyển nhượng gặp khó khăn… Ngoài ra, chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng đầu vào thấp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên vào làm việc tại các tổ chức khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cần khoảng thời gian đào tạo lại khá dài.

Nhà trường liên kết doanh nghiệp đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp

Do đó, để thay đổi thực trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo. Không phải chỉ các trường nông – lâm – ngư nghiệp gói gọn trong 54 cơ sở kể trên mới đào tạo được nhân lực cho ngành nông nghiệp. Nhiều ngành công nghệ thông tin, khoa học quản lý từ hàng trăm cơ sở đào tạo cũng có thể đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, bởi ứng dụng cần từ khâu sản xuất đến chế biến ứng dụng công nghệ cao. Về lâu dài, Bộ đang kiến nghị sử dụng mã ngành linh hoạt, liên ngành tích hợp tạo thuận lợi thực tiễn cho sinh viên. Có hướng dẫn tạo điều kiện cho các trường đại học và doanh nghiệp liên kết đào tạo nhân lực. Tạo hệ sinh thái cùng nhau trong 1 môi trường ngay tại nhà trường hoạc doanh nghiệp để khoảng cách thực tiễn và đào tạo nhà trường không còn quá xa.  Đặc biệt, thực hiện mạnh đề án đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp xây dựng nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, để nhân lực không chỉ là vấn đề qua đào tạo mà phải thực tiễn.

Gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu khách quan để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ mới. Vì vậy, để nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động ngành nông nghiệp, theo GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện nông nghiệp Việt Nam, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp; coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành mà Nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh. Ngoài ra, Chính phủ cần có chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để thực hiện gắn kết cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông – lâm – ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới. Tìm ra mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Đặc biệt đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với các nông trại, trang trại tạo chuỗi liên thông từ sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu thụ.

Theo baodansinh.vn