Từ ngày 15/7, Hiệp hội siêu thị Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi người dân và các chuỗi bán lẻ loại bỏ toàn bộ hàng hoá Nhật Bản khỏi thị trường. Chủ của nhiều doanh nghiệp thậm chí đã tổ chức biểu tình, cùng nhau ký vào một bức thư gửi tới Văn phòng Tổng thống với mong muốn hợp thức hoá việc chặt đứt quan hệ với Nhật, bao gồm cả việc cấm quảng cáo, huỷ các tour du lịch, không tham gia thế vận hội Olympics 2020 diễn ra tại Nhật,…
Các hình ảnh kêu gọi "tẩy chay" hàng Nhật xuất hiện trên khắp các chuỗi bán lẻ ở Hàn Quốc. |
Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước gia tăng từ năm 2018, khi tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những công dân Hàn bị bóc lột sức lao động, cưỡng ép làm việc cho quân đô hộ Nhật trong Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, theo Hàn Quốc, phía đất nước “mặt trời mọc” không hề có động thái hối lỗi, hơn nữa còn “trả đũa” bằng cách hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) từ ngày 4/7. Đây đều là những vật liệu chính để sản xuất ra điện thoại thông minh, màn hình OLED TV,…
Nhật Bản lên tiếng khẳng định, các vấn đều trong quá khứ đã khép lại, lệnh hạn chế mà Hàn Quốc phải nhận là do khâu kiểm soát xuất khẩu yếu kém, không đáng tin cậy.
Do đó, người dân và các công ty Hàn Quốc ngày càng trở nên phẫn nộ. Họ trực tiếp tham gia vào chiến tranh thương mại Hàn – Nhật bằng cách gay gắt "tẩy chay" toàn bộ những gì có trên thị trường liên quan đến Nhật, từ những đồ dùng nhỏ như bia rượu, bút viết, quần áo… cho đến phim ảnh, máy móc, xe cộ.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã từ bỏ những hợp đồng với Nhật có giá trị lên tới hàng chục triệu USD. Trên các trang mạng xã hội, giới trẻ Hàn thậm chí còn có trào lưu “khoe” ảnh chứng minh đã huỷ các chuyến du lịch đến "xứ sở hoa anh đào".
Người dân và chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đang "thi nhau" dẫm đạp các hộp đựng hàng hoá của Nhật trong một buổi biểu tình. |
Công ty du lịch Hanatour cho biết, số lượng các chuyến đi Nhật đã giảm gần 50%, từ 1.100 chuyến/ngày chỉ còn 500 chuyến/ngày. Chuỗi bán lẻ quần áo như Uniqlo của Nhật cũng đang lao đao tại Hàn Quốc khi doanh số giảm tới 10% chỉ trong thời gian ngắn. Các quảng cáo trên truyền hình liên quan đến Nhật bị huỷ bỏ vô thời hạn…
Anh Jang Bum-jin – một công dân Hàn Quốc 34 tuổi cho biết: “Tôi đã vứt hết những gì liên quan đến Nhật trong nhà mình ngay lập tức. Dù là fan của xưởng phim Marvel, tôi cũng sẽ không bao giờ bỏ tiền ra mua vé xem phim Người Nhện của hãng này vì nó được sản xuất bởi Sony, vốn là công ty của Nhật”.
Tổng thống Moon Jea-in cũng cho biết, Hàn Quốc sẽ không chịu khuất phục trước áp lực do Nhật Bản tạo ra, đồng thời cảnh báo sẽ hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật – loại mặt hàng mà Hàn Quốc đang nắm giữ tới 90-95% thị phần toàn cầu. Theo ông, chính nước này cũng sẽ phải chịu tổn thất lớn nếu giao thương bị gián đoạn.
Theo giới quan sát, nếu chiến tranh thương mại không được giải quyết sớm, Nhật có thể sẽ hạn chế xuất khẩu thêm nhiều loại vật liệu trong những ngành sản xuất khác. Điều này sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi Hàn Quốc đang là nhà cung cấp chính của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, bao gồm Apple và Huawei. Toàn bộ nền kinh tế nước này cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, rất khó để phục hồi.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhat-han-cang-thang-cao-do-nguoi-dan-cung-tham-gia-chien-tranh-thuong-mai-7876.html