Chồng tôi có bệnh lý nền là suy thận mãn tính, phải chạy thận nhân tạo. Khi nghe tin chồng nhiễm Covid-19, tôi vô cùng hoảng loạn. Nhưng sau đó tôi trấn tĩnh lại vì thấy bác sỹ Việt Nam rất giỏi, chữa được cho nhiều người nên yên tâm”, bệnh nhân 259 bày tỏ.
“Bác sỹ rất giỏi”
Nhớ lại thời điểm ngày 9-4 khi kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của chồng mình báo “dương tính” bệnh nhân 259 ở Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội đã vô cùng hoảng loạn. Chồng chị trở thành bệnh nhân số 254 sau khi tiếp xúc với người đàn ông cùng thôn là bệnh nhân 243.
Bản thân chồng chị có bệnh lý nền là suy thận nên “khi nghe tin chồng bị tôi hoảng loạn”. Nhưng sau vài ngày tôi trấn tĩnh lại vì thấy bác sỹ Việt Nam rất giỏi, chữa được cho nhiều người.
Chồng bị vào BV Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị thì cũng là lúc chị được đưa đi cách ly ở Sơn Tây. Và 2 ngày sau kết quả xét nghiệm của chị cũng dương tính, chị trở thành bệnh nhân thứ 259. Được đưa vào cùng nơi điều trị với chồng từ ngày 12-4 nhưng 2 vợ chồng chị ở 2 nơi cách biệt nhau, mãi đến trước ngày được công bố khỏi bệnh họ mới được gặp nhau.
Bản thân bệnh nhân 259 chỉ có triệu chứng hơi ho, khi được bác sỹ cho uống thuốc thì ổn định nhưng chị thấp thỏm lo cho sức khỏe của chồng. Đến khi gặp lại nhau chị đã thở phào nhẹ nhõm vì chồng chị vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Cả 2 vợ chồng cùng được công bố khỏi bệnh một ngày (11-5).
Trong buổi lễ công bố khỏi bệnh, 2 vợ chồng chị tươi cười, phấn khởi. Và chị liên tục nói “Tôi cảm ơn các bác sỹ đã tận tình, hết lòng cứu chữa cho vợ chồng tôi. Cảm ơn những chiến binh áo trắng rất nhiều”.
Chia sẻ cảm xúc trong thời điểm được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân 256 bày tỏ: Tôi xin cảm ơn các bác sỹ trong quá trình tôi điều trị tại đây đã nhiệt tình chăm nom, đưa cơm ăn uống, khám bệnh hàng ngày rất chu đáo.
Đối với bệnh nhân số 19 (bác ruột bệnh nhân 17) thì quá trình nằm viện đằng đẵng suốt hơn 2 tháng là chuỗi ngày không dễ gì quên được. Bệnh nhân nữ, 64 tuổi sống ở TP HCM cùng gia đình nhưng 28 Tết ra Hà Nội chơi nhà em trai và bị lây từ cô cháu gái đi châu Âu về.
Mới đầu vào viện, sức khỏe của bà hoàn toàn bình thường. Nhưng bỗng một hôm sau khi tắm rửa, ăn uống ngon miệng bà tự nhiên rơi vào hôn mê. Suốt quá trình hôn mê bà không hề biết mình đã có 3 lần ngừng tim, không hề biết sinh mệnh của mình ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi bác sỹ phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), phải lọc máu.
Chỉ đến khi tỉnh lại bà mới lờ mờ nhận thấy mình rất yếu, chân tay khó cử động và đang được thở ô-xy. "Tôi không hề biết rằng mình đã rất nguy kịch. Bác sĩ kể đã ép tim cho tôi nhiều lần… Bác sĩ rất giỏi", bệnh nhân 19 bày tỏ.
Mặc dù chưa được công bố khỏi bệnh nhưng bệnh nhân 19 đã âm tính với SARS-CoV-2 và đang trong giai đoạn phục hồi, tiến triển tốt.
Từ TP HCM ra BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chăm sóc mẹ, anh Lưu Ngọc-con trai bệnh nhân 19 kể lại, thời điểm bà nguy kịch cả gia đình vô cùng lo lắng. Đến khi mẹ tỉnh lại, 2 anh em đã ra BV để chăm sóc, trò chuyện, động viên.
“Mẹ đã 3 lần ngừng tim. Khi nghe bác sỹ thông báo chúng tôi rất sợ và thấy hi vọng mong manh, nên chỉ biết mong chờ sự cứu chữa điều trị của bác sỹ. Trước đây chưa được vào thăm, giờ mẹ đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, 2 anh em chúng tôi đã ra bệnh viện để nói chuyện, động viên tinh thần cho mẹ tốt hơn cho quá trình hồi phục nhanh còn mẹ được các bác sỹ chăm sóc rất chu đáo”.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thường, Điều dưỡng Trưởng, khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ niềm vui khi bệnh nhân hồi phục. Ảnh: T.Đ |
Sự hi sinh thầm lặng
Đến thời điểm ngày 14-5, Việt Nam đã có tổng số 260 trường hợp được công bố khỏi Covid-19, chưa ghi nhận ca tử vong, trong đó nhiều trường hợp nặng đã được chữa khỏi như bệnh nhân số 28 người Anh, bệnh nhân số 50, bệnh nhân 161, bệnh nhân 19… Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ còn 6 bệnh nhân. Có được những kết quả đó là sự hi sinh không mệt mỏi của tập thể bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế.
Nhớ lại giai đoạn cao điểm tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân, đặc biệt là với các bệnh nhân nặng, bác sỹ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết: Quá trình điều trị chúng tôi phải xin ý kiến, cân nhắc rất nhiều. Đây là một bệnh hoàn toàn mới nên phải thận trọng. Trong hội đồng điều trị các thầy không phải ai cũng đồng thuận mà mỗi người quan điểm khác nhau vì vấn đề mới nên cũng căng thẳng.
Vấn đề mới nên trong quá trình điều trị cho bệnh nhân giữa thầy trò và các thầy trong hội đồng điều trị quan điểm trái chiều cũng có. Có những thứ rõ ràng về khuyến cáo, hướng dẫn chính thống để điều trị nhưng có những điều còn tranh cãi, thế giới cũng tranh cãi khi có những trường hợp như thế nên có lúc đau đầu lắm”, bác sỹ Khiêm chia sẻ.
Kể về quá trình chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Điều dưỡng Nguyễn Thị Thường, Điều dưỡng Trưởng, khoa Hồi sức tích cực-BV Bệnh nhiệt đới Trung ương nhớ lại: Với bệnh nhân nữ 64 tuổi 3 lần ngừng tim thì sau giai đoạn ngừng tuần hoàn cứu sống trở lại thì phải bắt đầu lại từ đầu, điều trị nhiều cơ quan.
Theo đánh giá của bác sỹ thì đây là bệnh nhân nặng, diễn biến tuần hoàn thay đổi nhiều, trước khi có rối loạn nhịp bác sỹ và điều dưỡng theo dõi liên tục trên monitor nên có thay đổi đã phát hiện kịp thời.
Thời điểm trước khi ngừng tuần hoàn, bệnh nhân này vẫn bình thường, hoàn toàn tỉnh táo. Được theo dõi sát nên khi bệnh nhân có cảm giác khó chịu các điều dưỡng đã động viên bệnh nhân cần cố gắng nhưng diễn biến phức tạp nên bệnh nhân rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được hồi sức tích cực trong vòng gần 1 tiếng ép tim.
Hôm đó trong phòng có 4 bác sỹ và 4 điều dưỡng thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân. Khi cấp cứu cũng trông chờ vào sự đáp ứng của bệnh nhân, dù các bác sỹ đã làm hết sức. Từ giai đoạn đầu bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, phụ thuộc hoàn toàn vào máy ECMO, phụ thuộc hoàn toàn vào máy lọc máu để duy trì chức năng sống trong cơ thể đến nay bệnh nhân đã tỉnh táo, hồi phục tốt, rút khí thở.
“Tất cả anh chị em trong khoa thấy sự hồi phục của bệnh nhân thì rất phấn khởi, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Không chỉ với bệnh nhân Covid-19 mà tất cả những bệnh nhân nặng khác khi thấy những bệnh nhân mình tận tâm chăm sóc, điều trị có những kết quả nhất định thì tất cả những bác sỹ, điều dưỡng trong khoa đều cảm thấy rất vui. Đây là động lực động viên tất cả mọi người cùng cố gắng”, điều dưỡng Thường chia sẻ.
Chị Thường cho biết, mặc dù số lượng bệnh nhân nặng tại BV không nhiều nhưng vẫn phải chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực máy móc vật tư y tế, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, vật tư phục vụ kỹ thuật cao cũng như đầu tư nguồn lực. Khi sắp xếp nguồn lực điều dưỡng cũng phải sắp xếp làm sao có lực dự phòng vì bệnh mới, nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế rất cao nên phải sắp xếp số lượng dự phòng nếu chẳng may có nhân viên lây nhiễm thì còn có lực lượng thay thế.
Quá trình chăm sóc bệnh nhân nặng, điều dưỡng gặp khó khăn nhất định vì diễn biến phải theo dõi sát sao. Phải đứng liên tục 12 tiếng để làm kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật cao cho bác sỹ như ECMO, lọc máu, đặt máy thở mở nội khí quản có nguy cơ phơi nhiễm cao, quá trình làm điều dưỡng gặp vất vả nhất định.
Ví dụ như bệnh nhân nặng người Anh có trọng lượng trên 90kg mà điều dưỡng chỉ 40-45kg, làm thế nào để nâng bệnh nhân lên; làm thế nào để tắm cho bệnh nhân thì phải có kinh nghiệm rất nhiều mới có thể làm được. Hay thời điểm BV đông bệnh nhân thì mỗi ca chỉ có 4 điều dưỡng mà chăm sóc 5 bệnh nhân nặng là sự cố gắng nhiều của các điều dưỡng trong khoa.
Bản thân chị Thường cũng như nhiều bác sỹ, điều dưỡng của khoa đã 2 tháng nay chưa được về nhà. Nhà có 2 con gái, nhiều khi con nhớ mẹ được bố đưa đến cổng BV để nhìn mẹ từ xa. Thấy con thiếu mẹ gầy gò nên chị cũng thương, xót con nhưng vì công việc nên chị nén nỗi nhớ vào bên trong để cùng làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, để các bệnh nhân nhanh hồi phục. Và họ-những chiến binh áo trắng đã lấy niềm vui của bệnh nhân khi khỏi bệnh là niềm vui, lẽ sống của mình.