Dựa theo các yêu cầu và quy định của Bộ Y tế, các khuyến cáo của Hiệp hội phát triển thiết bị y tế thế giới AAMI ban hành, hoạt động đơn giản với các linh phụ kiện thiết yếu được sản xuất hoàn toàn trong nước... các giảng viên, nhà khoa học trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công máy thở “made in Bách khoa”.

Nếu đại dịch bùng phát và thiếu máy thở, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tự sản xuất và cung cấp cho các cơ sở y tế với số lượng lớn và thời gian nhanh. Dự kiến có thể sản xuất từ 300 - 500 máy thở/tháng.

Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đã đo lường, kiểm tra và đánh giá đạt các thông số kỹ thuật, máy thở BK-Vent ứng dụng trong hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 do các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo.

Đây là đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trọng điểm năm 2020, thực hiện từ ngày 4 - 30/4/2020 do PGS. TS Vũ Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm. Cùng tham gia nhóm nghiên cứu còn có 9 thành viên thuộc các chuyên ngành Cơ khí, Cơ khí động lực, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật y sinh và Kỹ thuật hóa học.

Các giảng viên, nhà khoa học trường Đại học Bách khoa Hà Nội hướng tới mục tiêu nghiên cứu chế tạo máy thở có khả năng hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân viêm hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) dựa theo các yêu cầu và quy định của Bộ Y tế, khuyến cáo của Hiệp hội Phát triển thiết bị y tế thế giới AAMI ban hành.

Máy hoạt động đơn giản với các linh phụ kiện thiết yếu được sản xuất hoàn toàn trong nước. Thời gian nghiên cứu chế tạo ngắn, có khả năng sản xuất số lượng lớn khi có yêu cầu. Nếu đại dịch bùng phát và thiếu máy thở, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tự sản xuất và cung cấp cho các cơ sở y tế với số lượng lớn và thời gian nhanh. Dự kiến có thể sản xuất từ 300 - 500 máy thở mỗi tháng.

PGS. TS Vũ Duy Hải cho biết: Máy thở BK-Vent của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể thực hiện được chức năng hỗ trợ điều trị tốt cho bệnh nhân thông qua việc kết hợp 2 chế độ trợ thở gồm: Chế độ trợ thở áp lực dương liên tục CPAP và chế độ trợ thở điều khiển theo thể tích VAC. Bên cạnh đó, các chức năng điều khiển thông minh của sản phẩm sẽ giúp cho việc phát hiện, đồng bộ với nhịp thở sinh học của người bệnh được chính xác và hiệu quả.

Được biết, để cho ra đời một chiếc máy thở đạt chuẩn dùng trong y tế đòi hỏi các nhà sản xuất phải nghiên cứu và xây dựng quy trình chế tạo kỹ lưỡng. Điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Trong điều kiện bình thường (không có dịch bệnh), nhu cầu về máy thở là không quá nhiều. Vì thế trên thế giới cũng chỉ có một số công ty chuyên sản xuất về máy thở. 

Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát và có diễn biến phức tạp, việc tổ chức sản xuất máy thở của các hãng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh đã khiến nhiều công ty sản xuất thiết bị y tế buộc phải cho công nhân nghỉ làm để giảm thiểu tối đa sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi nhu cầu sử dụng máy thở lại tăng lên đột biến. Do đó, trong thời gian qua, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi các tập đoàn công nghệ, các trường đại học nghiên cứu sản xuất máy thở để phục vụ phòng chống đại dịch.

Tại Việt Nam, hiện tại gần như chưa có công ty nào sản xuất máy thở chuyên dụng để phục vụ cho ngành y tế, hầu hết đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, tất cả các đơn hàng nhập khẩu máy thở đều đã bị từ chối.

Với kịch bản dịch Covid-19 có số ca nhiễm từ 50.000 người trở lên thì Việt Nam chắc sẽ bị thiếu máy thở và đi kèm với quá tải hệ thống y tế, đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia. Trước những giải pháp mà Chính phủ ban hành, việc triển khai nghiên cứu sản xuất máy thở trong nước trong thời gian ngắn để ứng phó với dịch bệnh đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là sự vào cuộc của các tập đoàn công nghệ, các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một số ưu điểm của máy thở BK-Vent

• Có đủ chế độ trợ thở trong việc hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (dựa theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và khuyến cáo của Hiệp hội Phát triển thiết bị y tế thế giới AAMI).

• Đại học Bách khoa Hà Nội đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, có thể tự sản xuất máy thở, các bộ phận thiết yếu và vật tư tiêu hao đi kèm với nguồn vật liệu sẵn có trong nước.

• Sản phẩm chế tạo mẫu BK-Vent đã được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đo lường, kiểm tra và đánh giá kỹ thuật.

• Có thể sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, dự kiến từ 300 - 500 máy/tháng.

• Giá thành thấp. 

Theo Tuổi trẻ Thủ đô