Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác phòng, chống dịch vẫn được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả...
Ngày 14/2/2020, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã có Công văn số 146/BCĐ389/TP-CQTT về triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 và phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, những ngày qua, tại một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực, thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chiều 24/2, tại chợ hoa quả Long Biên (quận Ba Đình), nhóm phóng viên TTTĐ tới thực địa, chứng kiến một tốp nhân viên thuộc Ban quản lý chợ đang phun thuốc phòng dịch. Được biết, kể từ ngày 5/2 đến nay, Ban quản lý chợ Long Biên luôn phối hợp với Phòng Y tế quận Ba Đình phun thuốc phòng dịch, với lịch trình 2 – 3 ngày/lần.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban quản lý chợ Long Biên cho biết: “Ban quản lý chợ Long Biên tổ chức tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid-19 trên hệ thống loa phóng thanh của chợ, 7 lượt/ngày. Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn phát 4.000 tờ rơi về cách phòng chống dịch đến các hộ kinh doanh; Lắp 32 pano, khẩu hiệu về phòng chống dịch trên địa bàn chợ; Lắp 20 điểm rửa tay, 10 chai nước sát khuẩn, 50 chai nước rửa tay, phát miễn phí 7.000 khẩu trang cho các hộ kinh doanh và khách vãng lai…”
Ông Hoàng Đình Thanh, Phó trưởng ban quản lý chợ Long Biên cho biết thêm: “Cho đến thời điểm này, Ban quản lý chợ Long Biên đã trang bị 10 máy đo thân nhiệt, 4 máy phun thuốc dung tích 24 lít, 6 thùng thuốc sát trùng Hankon WS, 600kg vôi bột khử trùng. Từ ngày 6/2 đến nay, đơn vị đã tổ chức phun thuốc phòng dịch trên toàn địa bàn và xe ô tô ra vào chợ”.
Chị Kim Oanh, một tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên nói: “Dịch bệnh khiến việc kinh doanh, buôn bán của chúng tôi giảm đáng kể, lượng khách mua hàng bây giờ chỉ được khoảng 10 – 15% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Việc tiếp xúc với khách hàng cũng chẳng còn là mấy. Tuy nhiên, hằng ngày, các cán bộ quản lý theo dõi địa bàn đều đi kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình sức khỏe của các hộ kinh doanh. Nếu phát hiện người nào có biểu hiện nhiễm bệnh viêm phổi cấp Covid-19 là sẽ báo ngay cho lãnh đạo chợ”.
Nỗi lo về sự lây nhiễm khó lường của virus Corona đã khiến cho hoạt động giao thương tại chợ Đồng Xuân - khu chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội trở nên ảm đạm trong những ngày qua. Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 tại đây không vì thế mà lơi lỏng.
Để hạn chế các hoạt động tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh, Công ty CP Đồng Xuân đã cho tạm dừng hoạt động của tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào đến Hàng Giấy kể từ ngày 3/2 (tiếp tục triển khai trở lại khi có chỉ đạo của UBND thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm).
Sau đó một ngày, ngày 4/2, Công ty CP Đồng Xuân đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với 11 thành viên, là những cán bộ chủ chốt của công ty.
Kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã được đẩy mạnh rõ rệt. Việc phun thuốc khử khuẩn tại quần thể chợ Đồng Xuân, đặc biệt là khu vực thực phẩm tươi sống, khu vực du lịch xe điện diễn ra thường xuyên, định kỳ.
Ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân bày tỏ: “Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, công ty chúng tôi rất chú trọng công tác tuyên truyền. Cụ thể: Công ty đã phát thanh tuyên truyền về tác hại, biện pháp phòng, chống dịch bệnh (4 lần/ngày); Dán 100 poster, pano tại các cửa ra vào, các nơi tập trung đông người, các nhà vệ sinh công cộng của chợ Đồng Xuân, chợ Cầu Đông và chợ đêm Đồng Xuân. Đồng thời, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ chợ đã làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền và phát hơn 3000 tờ rơi tới từng hộ kinh doanh”.
Theo ông Thanh, ngay từ mùng một Tết Nguyên đán, công ty đã phát 70 hộp khẩu trang y tế cho cán bộ, nhân viên làm việc trong dịp Tết, nhất là các lái xe điện phục vụ du khách tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Để đảm bảo an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách khi đến tham qua, mua sắm tại chợ, công ty đã trang bị 150 lọ dung dịch rửa tay khử khuẩn bố trí tại các cửa ra vào, khoảng trống giữa chợ, các cửa hàng ăn uống, các khu vực nhà vệ sinh…
Tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Quyền, một tiểu thương buôn bán gia cầm tại chợ cho biết, gà vịt anh mua chủ yếu từ Hòa Bình và của gia đình nuôi. Số gà vịt này trước khi xuất bán đã được kiểm dịch đầy đủ. Anh Quyền cho biết, từ sau rằm tháng Giêng đến nay, các tiểu thương tại chợ buôn bán cầm chừng vì ế ẩm, lượng gia cầm tiêu thụ không nhiều. Trước Tết Nguyên đán, mỗi ngày bán khoảng hơn chục con, thì nay chỉ bán mỗi ngày một vài con mà thôi.
Một tiểu thương khác cho biết: “Bọn em biết dịch cúm A/H5N6 nên chỉ bán gia cầm sống, giết mổ tại chỗ. Nếu gà vịt bị bệnh dịch, bọn em là người có nguy cơ bị nhiễm khá cao. Vì thế, gà vịt bọn em mua về phải khỏe mạnh. Với lại, các trang trại để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm của họ, họ phải phòng chống dịch đầy đủ trước khi xuất bán cho thương lái. Bên cạnh đó, hằng ngày, cán bộ thú y đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên về phòng chống dịch”.
Theo đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàng Mai, khi xảy ra dịch Covid-19, vùng biên giới được siết chặt, lượng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc không có, do đó, cũng giảm được phần nào nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N6.