Điểm mặt hàng loạt ông lớn

Tháng 8- 2018, Sở Tài nguyên & môi trường (TN&MT) Hà Nội công bố danh sách 22 đơn vị đã có quyết định thu hồi đất do vi phạm về đất đai và đang làm thủ tục nhận bàn giao và GPMB. Theo đó, từ tháng 10-2012 đến ngày 31-3-2018 TP đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư có DA vi phạm với diện tích hơn 990ha. Trong đó có 16 quyết định thu hồi đất hoặc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất đã được thực hiện trên thực tế; 22 quyết định thu hồi đất, tổ chức được giao quản lý đất thu hồi đang làm thủ tục nhận bàn giao và thực hiện công tác GPMB.

Trong số 22 DA này DA có diện tích bị thu hồi lớn nhất là của xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương với hơn 32.491 m2 đất tại Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Ngoài ra, còn có không ít DA của những những “ông lớn” như: Cty CP Tổng Cty công trình Đường sắt với 808,9 m2 đất bị thu hồi tại số 33 Láng Hạ, quận Đống Đa; thu hồi 16.000 m2 đất tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm của Cty CP Đầu tư Phát triển CONTREMIM; Cty CP Xây dựng số 1 Hà Nội với 1.298 m2 đất bị thu hồi tại ngõ 84 Chùa Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa...

Bước sang tháng 9 cùng năm, UBND TP tiếp tục yêu cầu Sở TNMT thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra, kiểm tra 21 DA bỏ hoang đất, chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai tại địa bàn 7 quận, huyện: Mê Linh, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức. Bên cạnh đó, rà soát việc khắc phục, xử lý dứt điểm vi phạm tại 89 dự án đã được đoàn giám sát của HĐND TP kiến nghị nhưng chưa khắc phục, xử lý.

Nhiều DA “ôm đất” với diện tích lớn nhưng trong suốt thời gian dài không triển khai được như cam kết đã được TP nêu đích danh như: DA khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm của Tổng Cty phát triển nhà và đô thị (HUD) chậm triển khai 16 năm; Khu đô thị Văn La, quận Hà Đông của Cty CP đầu tư phát triển Sông Đà Sudico rộng 10,6 ha chậm tiến độ 11 năm. Tiếp đó là một loạt DA chậm 10 năm như DA Làng Việt cổ Hoài Đức ở xã La Phù, huyện Hoài Đức do Tổng Cty Đầu tư xây dựng và thương mại HSTC làm chủ đầu tư, rộng 23,4 ha; Dự án Thanh Lâm, huyện Mê Linh; DA khu đô thị AIC Mê Linh tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh của Cty CP Bất động sản AIC rộng tới 94 ha...

Không chỉ thanh tra các DA “ôm đất”, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở TNMT thanh tra, kiểm tra, rà soát 161 DA có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; trên cơ sở đó, hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định, trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi đối với những DA vi phạm quy định của Luật Đất đai chưa khắc phục; báo cáo UBND TP đưa ra khỏi danh mục với các dự án đã triển khai theo tiến độ và khắc phục xong vi phạm.

UBND TP cũng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã; Sở, ngành và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai thực hiện nghiêm việc thu hồi đất, chấm dứt thực hiện dự án tại các dự án không triển khai, để hoang hóa lâu ngày, chủ đầu tư không bảo đảm năng lực thực hiện dự án, vi phạm các quy định của Luật Đất đai để lập phương án sử dụng theo quy hoạch…

nhieu chu dau tu om dat co thu bang cach xin dieu chinh quy hoach
DA khu đô thị AIC Mê Linh, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh của Cty CP Bất động sản AIC rộng tới
94 ha, giờ chỉ là chỗ cho trâu, bò đi dạo. Ảnh: G.B

“Câu giờ” bằng kế xin điều chỉnh quy hoạch

Trong quá trình làm việc tại các địa phương, các đoàn giám sát của HĐND TP phát hiện một trong những chiêu “ôm đất” được các chủ đầu tư sử dụng là viện vào cớ điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian chậm thi công, chậm đưa đất DA vào triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP. Đặc biệt, có những khu “đất vàng” bỏ quên nhiều năm của không ít đại gia bất động sản.

Theo Trưởng ban pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành cũng xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần. Mỗi lần xin điều chỉnh DA đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có DA nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 – 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng. Điển hình là lô đất có vị trí đắc địa tại 31-33-35 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm của Tập đoàn T&T, rộng 2.200m2.

 

Nhận định về hiện tượng vin vào điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, đây là một trong những kẽ hở để chủ đầu tư lách luật hoặc lợi dụng xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Bản thân Sở Quy hoạch và kiến trúc nhiều năm qua không tham mưu được quy trình để trả lời đối với các DA không đủ điều kiện để điều chỉnh quy hoạch, từ đó làm căn cứ trả lời nhà đầu tư.

Tháng 8-2018, Thường trực HĐND TP tiến hành phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn TP. Tại phiên họp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn TP có những DA đã chậm 16-17 năm. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm triển khai, vi phạm luật đất đai của các DA, như do GPMB; điều chỉnh quy hoạch; nhà đầu tư không có năng lực; sự quản lý, hậu kiểm chưa được chặt chẽ; chính sách đất đai thay đổi. Đối với các DA có những vướng mắc khó khăn có thể tháo gỡ được, TP sẽ tháo gỡ để cho họ đầu tư. Những DA không thể tháo gỡ được, thực sự phải thu hồi thì kiên quyết thu hồi.

Ngay sau phiên chất vấn này, UBND TP đã công bố 47 DA chậm tiến độ không đủ điều kiện tiếp tục đầu tư phải thu hồi.

 

Theo phapluatxahoi.vn