Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính và thực hiện kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP cũng như các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Mục đích của Kế hoạch nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành ngân hàng về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Từ đó có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của các đơn vị; nắm bắt những kết quả cải cách, đổi mới phục vụ người dân, doanh nghiệp; đề cao những biện pháp cải cách có hiệu quả thiết thực để truyền thông nhân rộng trong toàn ngành ngân hàng và cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp biết.
Nội dung kiểm tra tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố bao gồm: Kiểm tra việc thực hiện các quy định của NHNN về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; công tác duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính và các hoạt động nội bộ của đơn vị; tổ chức triển khai các chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp.
Nội dung kiểm tra tại tổ chức tín dụng gồm: Các nội dung đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm đơn giản hóa thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ; giao dịch một cửa, tiêu chuẩn hóa thời gian cụ thể giao dịch với khách hàng các sản phẩm, dịch vụ; công khai trên trang tin điện tử của ngân hàng, biểu phí, giá dịch vụ, các thông tin về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ đối với khách hàng.
Bên cạnh đó rà soát, bãi bỏ các loại phí không phù hợp, cắt giảm phí, giá dịch vụ đối với khách hàng; đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc, giao tiếp khách hàng để cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng... Từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; bố trí các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; thực hiện bảo lãnh tín dụng; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Nguồn: https://congluan.vn/nhieu-giai-phap-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-ho-tro-doanh-nghiep-post63778.html