Sau 3 tuần nới lỏng giãn cách xã hội, đa phần người dân Thủ đô vẫn chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang tại nơi cộng cộng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít người chủ quan, không đeo khẩu trang khiến nhiều người dân cảm thấy bức xúc.
Tính đến ngày hôm nay 14-5, đã 29 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Quy định giãn cách xã hội cũng được nới lỏng trong 3 tuần nay.
Theo ghi nhận của PV, buổi sáng và buổi chiều mát, các khu vui chơi, công viên, bờ hồ là nơi có rất nhiều người tập trung. Họ đến đó để vui chơi, tập thể dục, hóng mát,...Bên cạnh nhiều người dân có ý thức đeo khẩu trang tại nơi công cộng thì không ít người lại tỏ ra chủ quan không đeo khẩu trang, thậm chí vừa chạm tay vào những vật dụng nơi cộng cộng đã dùng tay cầm thức ăn, nước uống.
Tại sân chơi toà nhà 34T, khu đô thị Trung Hoà, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, khu vực đã từng bị cách ly, nhiều em nhỏ được bố mẹ đeo khẩu trang trong khi vui chơi |
Ra khỏi nhà, nhiều người vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang |
Nhưng cũng có nhiều người lớn và em nhỏ không đeo khẩu trang khi vui chơi, tập thể dục |
Tại công viên hồ Thành Công - khu công viên được nhiều cư dân phường Thành Công, Láng Hạ cũng như khu vực lân cận chọn là nơi vui chơi, tập thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ… Mỗi khi chiều đến, hàng trăm lượt người đổ về đây để tập thể dục, vui chơi. Tuy nhiên, theo quan sát, nhiều người không tuân thủ việc đeo khẩu trang.
Một nhóm 5 người đi dạo tại hồ Thành Công nhưng không ai đeo khẩu trang. Xung quanh đó cũng có nhiều người không đeo khẩu trang |
Rất nhiều người đi dạo, tập thể dục tại hồ Thành Công không đeo khẩu trang |
Bác Bùi Xuân Dương (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi hay ra hồ Thành Công để đạp xe. Do hồ Thành Công là một trong những hồ đẹp, sạch sẽ, thoáng mát ở Hà Nội nên ngay cả những người ở xa cũng đến đây tập luyện. Mặc dù tình hình dịch bệnh đang dịu xuống, các biện pháp giãn cách xã hội cũng đang được nới lỏng, tuy nhiên khi đi ra nơi công cộng như ở hồ Thành Công, tôi vẫn đeo khẩu trang vì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ở Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đã làm rất tốt nhưng tại nhiều nước trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp.
Mình phải nhìn toàn cục, nếu toàn thế giới an toàn thì mình mới an toàn tuyệt đối. Còn nếu các nước chưa an toàn thì mình cũng chưa an toàn tuyệt đối được. Tôi thấy rằng, việc đeo khẩu trang vẫn là việc làm cần thiết, tuy rằng ở đây có thể do nóng quá nên có người đeo, có người không đeo. Quy định giãn cách xã hội cũng được Nhà nước nới lỏng ra rồi, ngay các cháu học sinh bây giờ đi học cũng không phải đeo khẩu trang trong lớp. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là không chủ quan khinh địch, như Thủ tướng đã nói là chống dịch như chống giặc, mà dịch này nó âm thầm, nguy hiểm lắm”.
Việc nới lỏng giãn cách xã hội giúp người dân quay trở lại cuộc sống bình thường nhưng không vì thế mà chủ quan |
Chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch sẽ khiến chúng ta không trở tay kịp khi dịch quay trở lại |
Tại khu vui chơi của tòa nhà Happy Star (phường Giang Biên, quận Long Biên), rất nhiều người dân cho con em mình xuống chơi vào lúc chiều mát. Bên cạnh nhiều em nhỏ cẩn thận đeo khẩu trang thì không ít người, trong đó có cả người lớn lại không chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang (phường Giang Biên, quận Long Biên) cho biết: “Tôi thường ra bờ hồ gần nhà để tập thể dục cho thoáng mát. Bên cạnh nhiều người dân có ý thức đeo khẩu trang nơi công cộng thì không ít người không đeo hoặc chỉ đeo một lúc là bỏ ra. Tôi nghĩ việc đeo khẩu trang thời điểm này vẫn là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh, nhất là khi cả thế giới nói chung và nước ta nói riêng chưa có vắc-xin cho căn bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần chăm chỉ rửa tay bằng xà phòng, mang theo sát khuẩn khô khi ra ngoài cũng như không tụ tập nơi đông người”.
Nhiều em nhỏ được bố mẹ đeo cho khẩu trang khi xuống khu vui chơi tại tòa nhà Happy Star |
Nhưng cũng nhiều bé lẫn phụ huynh không đeo khẩu trang |
Ngày 28-4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc thành phố; UBND quận, huyện, thị xã thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm: Tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với các điều kiện cụ thể của thành phố; Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; nới lỏng nhưng không lơi lỏng; Dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh.
Người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Mỗi người dân phải hình thành thói quen là khi có dấu hiệu ho sốt, đau họng phải liên hệ ngay với cơ quan y tế; không tụ tập đông người…
Tại khu vực một quán trà sữa ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, nhiều em nhỏ không đeo khẩu trang, đứng ngồi san sát nhau |
Theo nôi dụng của bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, việc nên làm là tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng; ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhãn nhặn, đúng mực,…
Áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể, hiện nay, cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn đang cố gắng, nỗ lực thực hiện các công tác phòng chống dịch, việc người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh Covid-19 chính là thể hiện chúng ta đang tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng, là ứng xử văn minh, thanh lịch, góp phần giúp Hà Nội, đất nước chiến thắng dịch bệnh, xây dựng đất nước.
Để bảo vệ và phát huy những thành quả trong công cuộc chống dịch Covid-19, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần tự giác phòng chống dịch bệnh bằng những việc làm thiết thực để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, sát khuẩn, không tụ tập nơi đông người.
Các cơ quan chức năng của các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, giám sát người dân trong việc thực hiện các quy định phòng chống dịch.