Xe hơi là phương tiện di chuyển và phục vụ cuộc sống nên với những người có nhu cầu thực sự, việc sở hữu một chiếc xe là điều tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không có ít người mua xe trong khi nhu cầu của họ chưa thực sự cần thiết nên cũng xảy ra những chuyện "dở khóc dở cười".

Thậm chí, một số người lại có tư tưởng mua xe cho bằng bạn bằng bè, để giải quyết… khâu oai.

Xe hơi là phương tiện di chuyển và phục vụ cuộc sống nên với những người có nhu cầu thực sự, việc sở hữu một chiếc xe là điều tất yếu. (Ảnh minh họa).

Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn Th. trú tại quận Hà Đông (Hà Nội). Gia đình anh Th. đã mua một chiếc xe sedan phân khúc C cách đây gần 1 năm. Điều khiến rất nhiều người từ đồng nghiệp đến bạn bè và cả gia đình vô cùng bất ngờ trước quyết định mua chiếc xe ô tô tầm trung của anh Th. là lúc này, gia đình, vợ con anh vẫn phải đi thuê một căn hộ chung cư với giá 5 triệu đồng/tháng.

Khi anh Th. rước chiếc xe hơi này về, không ít nhiều người đã dành những lời chúc tụng cho vợ chồng anh. Tuy nhiên, với những người thân thiết lại tỏ ra sốc và hỏi thẳng về việc vì sao nhà chưa mua mà anh đã bỏ ra 800 triệu đồng tậu ô tô.

Để mua được chiếc xe đó, anh Th. đã dùng hết số tiền tiết kiệm được là hơn 500 triệu đồng và vay ngân hàng số tiền 300 triệu đồng.

Do sau khi tậu ô tô, chiếc xe phát sinh khá nhiều chi phí như: Xăng xe, bảo dưỡng, chi phí trông giữ xe… Tất cả chi phí lên đến hơn 5 triệu đồng mỗi tháng khiến anh Th. không còn dám lái xe đi làm như thời gian đầu. Thành ra, sau gần 1 năm rước xế hộp về nhà, ODO của chiếc xe chỉ dừng lại ở con số chưa chạm mốc 4.000km.

Đến thời điểm hiện tại, anh Th. chỉ dám chạy xe đi làm và về quê vài lần, thời gian còn lại anh toàn “trùm mền” chiếc xế hộp dưới hầm.

Trường hợp của anh Lê Hoài (tên nhân vật đã được thay đổi) trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cũng tương tự như anh Th., anh Hoài và gia đình vẫn thuê trọ, nhưng thấy bạn bè, đồng nghiệp ai cũng sắm xe hơi nên mỗi lần về quê hay như lần gần đây nhất là họp lớp thấy nhiều người có xe khiến anh lại sục sôi.

Dù không thực sự cần thiết song một số người có tư tưởng mua xe cho bằng bạn bằng bè, để giải quyết… khâu oai. (Ảnh minh họa).

Sau nhiều lần thuyết phục vợ không thành, anh đành quyết định lén rút hết số tiền tiết kiệm, vay mượn thêm họ hàng bên nội ở quê mua một chiếc xe cũ với giá 300 triệu đồng. Khi rước chiếc xe về tới nhà, vợ anh đã giận “sôi máu”. 2 vợ chồng anh xảy ra “chiến tranh lạnh”, không thèm nói chuyện với nhau cả tuần trời.

Để làm lành với vợ, anh quyết định đưa vợ con đi những địa điểm du lịch quanh Hà Nội với mong muốn vợ hiểu được cảm giác mua được chiếc xe ô tô tiện dụng, an toàn và đỡ ngại với bạn bè, đồng nghiệp như thế nào.

Tuy nhiên, những chuyến du lịch gần xa rồi cũng chẳng còn, thậm chí đến những ngày nắng như đổ lửa vừa rồi anh cũng chẳng dám lái ô tô đi làm bởi… nhiều lúc chẳng có tiền đổ xăng.

Anh Hoài ngậm ngùi chia sẻ với PV: “Lương mình không cao, chỉ quanh quanh 13-15 triệu/tháng nhưng nếu cứ ngày nào cũng đi xe ô tô thì có lẽ không còn dư bao nhiêu. Riêng tiền gửi xe ở chỗ trọ và chỗ làm mỗi tháng đã mất 2,5 triệu đồng, tiền xăng cũng mất khoảng 3 triệu nữa, rồi tiền dầu nhớt, bảo dưỡng rồi thi thoảng lại bị phạt… thành ra từ ngày có xe khiến gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu vô cùng”.

Anh Hoài cũng tâm sự thật: “Nói thật ai cũng thích mua xe hơi, mình thấy bạn bè, đồng nghiệp nhiều người có nên cũng thèm khát lắm. Nhưng giờ bán đi cũng lỗ gần trăm triệu lại càng xót hơn, nếu không bán thì chiếc xe sẽ ngày càng trở thành gánh nặng lớn”.

Ngoài anh Th., anh Hoài còn rất nhiều trường hợp dù chưa có nhu cầu thực sự hoặc tài chính chưa cho phép nhưng vẫn mua ô tô bằng được chỉ để… ra oai và rồi ngậm ngùi nhận “quả đắng”.

Theo Mộc Lâm/Đô Thị Mới