Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong năm 2019 cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2018. Ảnh: CP
4 nhóm nhiệm vụ lớn cần tập trung ưu tiên
Tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018. Với tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; tạo nền tảng để KT-XH nước ta bứt phá trong năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định năm 2018 nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của nửa đầu nhiệm kỳ khoá XII, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả 5 năm 2016 - 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó trong năm 2018 vừa qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong năm 2019 cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2018 và nhấn mạnh việc không được chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 4 nhóm nhiệm vụ lớn cần tập trung ưu tiên thực hiện gồm: Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể, thiết thực với việc xây dựng, phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực này; Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Phấn đấu hoàn thành ở mức cao 5 chỉ tiêu kinh tế
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày tóm tắt nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2019 (Nghị quyết 01) để các bộ, ngành và địa phương đóng góp ý kiến hoàn thiện. Trên cơ sở 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện trong năm 2019, dự thảo Nghị quyết 01 xác định mục tiêu đạt hoặc hoàn thành ở mức “cận cao”. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,8% thay vì từ 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng CPI dưới 4% thay vì chỉ tiêu khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 34% thay vì tỷ lệ 33- 34%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8- 10% thay vì mức tăng 7- 8%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất nhập khẩu dưới 2% so với chỉ tiêu dưới 3%…
Để thực hiện mục tiêu tổng quát, các trọng tâm chỉ đạo điều hành và các chỉ tiêu KT-XH của Quốc hội giao, dự thảo Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó có những giải pháp đáng chú ý như tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh bao phủ tín dụng, đẩy lùi tín dụng "đen”. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn. Khơi thông nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng. Phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị, thực hiện thí điểm các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị xanh... Phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng, mạng di động 5G. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, tăng sự hài lòng của người dân. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, không để độc quyền, lãng phí trong in, phát hành, sử dụng sách giáo khoa. Tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Tiếp tục xử lý căn cơ vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Hoàn thành mục tiêu giường bệnh/1 vạn dân
Trước đó, báo cáo về thành quả của mảng văn hóa - xã hội năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, các chính sách xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Mở rộng diện và thực hiện tốt chính sách người có công; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho trên 178.000 hộ. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%, riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực. Năm 2018, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,65 triệu người, trong đó đưa khoảng 142 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mạng lưới khám, chữa bệnh được tập trung đầu tư, nâng số giường bệnh trên 1 vạn dân lên đạt 26,5 giường (hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2020 là 26,5 giường). Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%). Kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, thiết lập cơ sở dữ liệu đối với trên 20.000 loại thuốc chữa bệnh.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng giáo dục được nâng lên, đào tạo bậc đại học được đổi mới. Lần đầu tiên Việt Nam có hai trường đại học nằm trong nhóm 1.000 trường hàng đầu thế giới. Các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế đều đạt thành tích cao. Ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được định hình; nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao. Chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục được nâng lên; Việt Nam xếp thứ 45/126 quốc gia, vùng lãnh thổ, cao nhất từ trước đến nay. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được chú trọng hơn. Những hiện tượng tiêu cực, phản cảm trong các lễ hội đã giảm nhiều. Văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm, nhiều lễ hội dân gian có giá trị được khôi phục. Thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh, thể thao thành tích cao có bước tiến vượt bậc; đặc biệt các đội tuyển bóng đá đạt được thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế.
Hàng loạt con số nổi bật đã được Chính phủ công bố, trong đó phải kể đến tăng trưởng GDP đạt 7,08%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD, toàn bộ các khu vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với 2018.
Minh Anh