Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều cuộc đời dù chỉ mấy bữa trước sự sống chỉ đếm bằng ngày, hôm nay lại được thở, được sống, được cảm nhận nhịp đập trái tim bình thường, được nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp nhờ ghép tạng, ghép giác mạc.

Trong số 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép đa tạng tim và phổi, 3 ca ghép phổi mà Việt Nam đã thực hiện được (tính đến ngày 21/12/2018) thì có lẽ điều khiến nhiều người xúc động nhất là những em bé, những người còn có cả thanh xuân ở phía trước, được hồi sinh từ nguồn sống của người xa lạ.

Cùng điểm lại những trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi, trẻ tuổi may mắn được ghép tạng hồi sinh cuộc đời trong thời gian gần đây.

1. Nam thanh niên 17 tuổi mắc ung thư được cứu nhờ 2 phổi ghép

Từ 5 năm nay, em N.V.Đ (SN 2001) đã "dính" những biểu hiện của bệnh kén hóa và nhiễm trùng phổi rất nặng. Em đã phải mổ 1 bên phổi phải và bơm thuốc gây dính màng phổi bên trái do kén khí phổi vỡ tái diễn.

Cuộc đời của Đ trong nhiều năm qua gắn liền hết Bệnh viện Nhi Trung ương lại đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân trẻ tuổi này đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh mô bào ở phổi - một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt – không có giải pháp điều trị triệt để, và được truyền hóa chất nhiều đợt. Tiên lượng tử vong rất cận kề.

Bên trong cơ thể gầy gò, xanh xao, Đ còn mang nhiều bệnh khác, như sỏi thận phải (mổ 2016), sỏi trong gan (chưa có chỉ định can thiệp), suy chức năng gan do hóa chất.

ác bác sĩ bệnh viện Việt Đức thực hiện lấy tạng và ghép phổi. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thực hiện lấy tạng và ghép phổi. Ảnh: BVCC

Lần này bệnh nhân N.V.Đ điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai hơn 20 ngày do đợt nhiễm trùng cấp các kén phổi, đã ổn định và có thể chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xét ghép phổi.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đã trong tình trạng chỉ nằm trên giường thở ô xy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng. Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần toàn bộ phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết thành các nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng.

Sau khi may mắn được nhận tạng nhờ các chỉ số phù hợp với tạng hiến của người cho chết não (anh Dương Hoàng Quý, 43 tuổi, ở Ninh Bình), ngày 12/12, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép 2 phổi cho bệnh nhân Đ trong 14 giờ đồng hồ. 12 ngày sau ghép, nam bệnh nhân trẻ tuổi đã cai được máy thở và được theo dõi sát các diễn tiến bệnh.

2. Nam bệnh nhân 15 tuổi lần đầu được ghép thận từ người cho chết não

Cùng ngày 12/12, khi các ca ghép tạng đang được tiến hành tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), thì tại TP HCM, cũng từ nguồn tạng hiến của anh Quý, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành ghép thận cho bé Huy - cậu bé quê ở Lâm Đồng, năm nay mới 15 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối.

Cậu bé được bác sĩ phát hiện suy thận giai đoạn vào cuối tháng 1, nghi do thiểu sản thận hai bên. Bé được lọc thẩm phân phúc mạc ngoại trú, tái khám hàng tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tới khoảng tháng 9/2018, Huy đang học lớp 10 phải nghỉ học vì tình trạng chuyển xấu, huyết áp cao, nước tiểu mỗi ngày còn khoảng 100 ml. Ghép thận là cách duy nhất cứu cậu bé có gương mặt sáng này. Nhưng người thân không đủ điều kiện phù hợp để có thể hiến thận cứu bé.

Bé Huy sau ca ghép thận, dự kiến 6 tháng nữa có thể đi học trở lại. Ảnh: BVCC

Bé Huy sau ca ghép thận, dự kiến 6 tháng nữa có thể đi học trở lại. Ảnh: BVCC

May mắn thay, sáng 11/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo chuyển một quả thận từ người hiến tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vào. Lãnh đạo bệnh viện kích hoạt báo động đỏ toàn hệ thống để tìm bệnh nhân phù hợp trong danh sách chờ ghép thận.

Bé Huy có các chỉ số phù hợp nhất với người hiến. 2h sáng 12/12, bệnh nhi từ Đà Lạt đến TP HCM nhập viện và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ ghép. Chiều cùng ngày, quả thận bảo quản trong thùng giữ đông chuyên dụng được chuyển bằng đường hàng không vào đến Bệnh viện Nhi đồng 2 an toàn. Em trở thành bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người cho chết não.

14 ngày sau ghép, bé Huy vẫn ở phòng cách ly. Em tỉnh táo, gương mặt hồng hào tươi tỉnh và đã có thể đi lại cười nói. Bé tự ăn uống, đi tiểu tự chủ với lượng nước tiểu 4 lít một ngày. Dự kiến bé có thể đi học lại sau 6 tháng nữa.

3. Nam sinh 15 tuổi người Đà Nẵng đếm từng ngày đến cái chết được ghép tim kỳ diệu

Mắc bệnh cơ tim giãn và được đặt máy khử rung tim tự động (ICD), gia đình bé Phạm Văn Cơ (15 tuổi, quê Đà Nẵng) đã có lúc nghĩ đến chuyện xấu nhất. Cơ được các bác sĩ dự báo thời gian sống còn rất ngắn (dưới 6 tháng).

Bé Phạm Văn Cơ, 6 tháng sau ngày ghép tim từ người xa lạ.

Bé Phạm Văn Cơ, 6 tháng sau ngày ghép tim từ người xa lạ.

Thế nhưng, như một phép mầu, cậu bé có vầng trán cao, đôi mắt sáng và nụ cười luôn nở trên môi đã được cứu sống kỳ diệu bằng đôi tay tài hoa và tấm lòng nhân hậu của các bác sĩ Bệnh viện TW Huế. Đặc biệt nhất, là từ trái tim được hiến từ người xa lạ, dù đến nay, đã 6 tháng trôi qua, gia đình Cơ vẫn chưa biết đó là ai.

Đó là một ca ghép tim đặc biệt. Do thời gian cho phép thiếu máu tạng từ 4 đến 6 giờ đồng hồ, thời điểm này lại không có chuyến bay nào từ Hà Nội đến Huế nên sau ca phẫu thuật lấy tạng, các bác sĩ Bệnh viện TW Huế cùng chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt Đức đã cấp tập vận chuyển quả tim theo đường hàng không từ TP Hà Nội vào TP Đà Nẵng và sau đó từ Đà Nẵng ra Huế bằng đường bộ để kịp ghép tim cho bệnh nhân.

Đến 6h ngày 14/6, ca mổ kết thúc tốt đẹp, quả tim của người hiến tạng tại Hà Nội với nhịp đập đều đặn đã bảo đảm huyết động trong lồng ngực của bệnh nhân Cơ.

4. Bệnh nhi Việt Nam nhỏ tuổi nhất được ghép tim từ người cho chết não

Ngày 15/3, từ một trường hợp bệnh nhân chết não và gia đình đã đồng ý hiến tạng, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ca ghép gan, tim và hai thận cho các bệnh nhân có chỉ định ghép. Trong đó, có một ca ghép tim cho bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, quê ở Sơn Tây, Hà Nội. Đây là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam.

Bệnh nhi được chẩn đoán bị cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Nếu được hỗ trợ từ trang thiết bị hiện đại và thuốc, thời gian sống của bệnh nhân tính bằng tháng, trường hợp không có thuốc tính mạng của bé chỉ được tính bằng ngày.

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được ghép tim trong ngày ra viện (tháng 5/2017)
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được ghép tim trong ngày ra viện (tháng 5/2017)
 

Đây là cơ hội vàng để ghép tim cho bệnh nhi bởi số lượng người hiến tim rất ít. Đặc biệt cơ hội tìm được người hiến tim phù hợp với trẻ em là không tưởng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, BV Việt Đức quả tim của người cho có trọng lượng lớn hơn 2,7 lần so với tim của cháu Đạt. Vì vậy, nhóm bác sĩ tham gia phẫu thuật đã phải đo đạc, tính toán kỹ lưỡng. Ca mổ khó khăn và kéo dài gần gấp đôi so với bình thường.

Khó khăn khác nữa là chi phí cho ca ghép lên đến hàng tỷ đồng trong khi gia đình cháu bé chỉ lo được 1/5 số tiền đó, khoản còn lại không biết trông chờ vào đâu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện ca ghép bởi bởi chỉ cần chậm trễ thì tính mạng cháu sẽ bị đe dọa. May mắn là sau đó, gia đình cháu bé đã nhận được sự giúp đỡ của những người hảo tâm.

2 tháng sau khi được ghép tim, em bé được ra viện.

Võ Thu

Theo Giadinh.net.vn