Du lịch và vận tải hành khách tăng cao
Tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, các ngành công nghiệp, thương mại TP. HCM có sự khởi sắc. Trong đó, du lịch và vận tải hành khách tăng cao.
Trong tháng 4, tổng doanh thu về du lịch ước đạt 15.035 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022; khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 32,12 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 95.800 tỷ đồng, tăng 12% so với tháng 3. Xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước; nhập khẩu ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 3% so với tháng trước.
Về tình hình thu, chi ngân sách, ông Lê Duy Minh- Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM thông tin, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 170.020,817 tỷ đồng, đạt 36,20% dự toán năm và bằng 96,77% so cùng kỳ.
Trong cuộc họp, Cục Thống kê TP. HCM cũng cho biết, ngành công nghiệp khởi sắc hơn so với tháng 3. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu đơn hàng sản xuất, chịu áp lực trả lãi vay ngân hàng; công nhân thất nghiệp, không đủ kinh tế trang trải cho gia đình.
Vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 4 chưa đầy 1 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ 2022. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,6% nhưng giảm gần 25% về vốn đăng ký. Tính đến 21/4, TP. HCM mới giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 4,9% tổng số vốn giao năm nay.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tuy tình hình KT- XH có nhiều điểm sáng nhưng khó khăn vẫn còn kéo dài, thành phố cần phân tích dữ liệu một số diễn biến trong tháng 5, cả mặt tích cực và tiêu cực để đón bắt, ứng xử phù hợp.
Để tiếp tục cải thiện tình hình kinh tế, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.
Nhiệm vụ trọng điểm của tháng 5
UBND TP. HCM đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5. Theo đó, UBND TP. HCM sẽ ban hành các kế hoạch để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông; cải thiện năng lực tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai ứng dụng di động cổng giao tiếp thống nhất giữa công dân với chính quyền thành phố.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công; hoàn thành công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp thẩm định Đồ án Quy hoạch chung Quy hoạch chung TP. Thủ Đức.
Hoàn thành các đề án bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2020 - 2025; đề án nghiên cứu tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố và đề án Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Song song đó, TP. HCM cũng nghiên cứu chỉnh trang bến Bạch Đằng từ cầu Khánh Hội đến cầu Thủ Thiêm; phấn đấu hoàn thành cơ bản các hạng mục tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-diem-sang-kinh-te-xa-hoi-cua-tp-hcm-trong-thang-4-77167.html