Tục xin chữ đầu năm có từ bao giờ?

Từ xa xưa, người Việt có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ. Trong đó, thờ chữ và rước chữ đối với những chữ của vua, được viết trong sắc phong. Dân gian thì chơi chữ, xin chữ từ các ông đồ vào dịp Tết cổ truyền.

Xin chữ đầu năm không phải một việc làm đơn giản mà thể hiện truyền thống trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong muốn xin con chữ lấy may, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Xin chữ đầu năm
Nhãn

Người xưa khi muốn xin chữ đều khăn áo chỉnh tề, chuẩn bị lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ (người có học vị Tú tài được vua ban hoặc nho sĩ hay chữ, đức độ trong vùng được kính trọng). Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình và bản thân.

Thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng của người xin chữ mà cho chữ thích hợp. Mỗi chữ viết ra bằng cả "trí", "thần", "lực" của ông đồ nên ngoài ý nghĩa tốt lành, còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp.

Một quan niệm cũng được lưu truyền từ lâu là ai không đi xin chữ nhưng được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có "lộc chữ", cả năm sẽ đạt được nhiều điều may mắn, như ý. 

Theo An An (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nhung-dieu-thu-vi-ve-tuc-xin-chu-dau-nam-20201231000000860.html