Lợi ích của việc ăn cá
Axit béo omega-3 có trong cá, nhất là các loại cá có dầu như cá hồi, cá mòi, cá trích giúp giảm huyết áp, giảm loạn nhịp tim, phòng ngừa nguy cơ tim mạch.
Ăn cá giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Ăn cá cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ, trầm cảm và suy giảm tinh thần theo tuổi tác.
Đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, việc ăn cá rất quan trọng vì nó cung cấp DHA đặc biệt có lợi cho sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh.
Những đối tượng không nên ăn cá
1. Bệnh nhân vô sinh không nên ăn cá biển
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đàn ông bị suy giảm khả năng sinh sản một phần nguyên nhân do lượng thủy ngân tích trong cơ thể cao hơn.
Có nhiều loại cá chứa lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá thu to, cá ngừ… Khi thủy ngân xâm nhập vào cơ thể, kết hợp với các tế bào hồng cầu trong máu sẽ cản trở chức năng của các tế bào sinh sản.
2. Phụ nữ mang thai không nên ăn cá biển
Phụ nữ đang mang thai ăn quá nhiều cá (đặc biệt là cá biển bị ô nhiễm) thì sẽ tăng nguy cơ đẻ non.
Nguyên nhân là trong cá biển thường chứa nhiều thủy ngân, khi vào cơ thể, nó ảnh hưởng rất lớn tới thần kinh bào thai.
Nghiên cứu được công bố sau khi các nhà khoa học khảo sát 1.000 phụ nữ đang mang thai, trong số họ có không ít người ăn nhiều cá biển khiến lượng thủy ngân trong tóc tăng cao, và những đối tượng này có tỷ lệ đẻ non gấp 3 lần so với những người có tỷ lệ thủy ngân ở mức trung bình ở trong tóc.
Theo các nhà khoa học, cá biển thường mang trong mình lượng thủy ngân cao là do môi trường chúng sống thường bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp từ các sông, hồ, tàu bè thải ra.
Nhiều loại cá khác như cá hồi, cá kiếm, cá mập… thường có tỷ lệ thủy ngân cao hơn cá nước ngọt rất nhiều.
3. Người bị bệnh gout
Cá, tôm, cua, sò, hến, tôm, chứa hàm lượng purine cao, do đó, bệnh nhân gout nên hạn chế ăn những thực phẩm này để ngăn bệnh nặng hơn.
Nếu bạn muốn ăn, bạn có thể chọn cá có hàm lượng purine thấp, chẳng hạn như cá ngừ, mực và cá trích. Tránh ăn cá có hàm lượng cao như cá mòi, cá thu và mực.
4. Bệnh nhân bị xơ gan, rối loạn chức năng gan
Nên hạn chế ăn cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá chép, cá bơn… Ngoài ra, trong các cách chế biến cá, món cá chiên thường không tốt cho sức khỏe, đấy là chưa kể khi chiên cá hàm lượng protein cũng giảm bớt, chưa kể, nếu cá bị cháy sẽ sản sinh các chất dễ gây ung thư. Với những bệnh nhân mắc bệnh huyết áp, có khối u và cả trẻ em… hạn chế ăn cá muối.
5. Người phải dùng một số thuốc
Không ăn cá khi dùng thuốc ho, đặc biệt là cá biển để tránh phản ứng dị ứng với histamine gây ra các triệu chứng khó chịu như bề mặt da người bệnh bị nổi đỏ, sung huyết kết mạc, chóng mặt, nhịp tim nhanh và nổi mề đay.
Ngoài ra, những người uống thuốc kháng khuẩn như furazolidone, ketoconazol, griseofulvin; thuốc hạ áp như pargyline; thuốc điều trị parkinson như selegilin; thuốc chống trầm cảm như moclobemide; thuốc chống ung thư như procarbazine… không nên ăn cá.
6. Nhóm người bị dị ứng
Có nhiều người bị dị ứng với hải sản, chủ yếu là vì chúng là món ăn chứa nhiều protein, đây là một phản ứng dị ứng gây ra bởi loại protein đặc biệt này.
Những người đã từng bị dị ứng với cá và tôm nếu ở mức độ nặng thì nên cố gắng không ăn các loại cá đó trong tương lai, nếu không chúng sẽ tiếp tục gây dị ứng.
Lưu ý khi ăn cá
Ăn cá cũng có nguyên tắc, không phải tất cả những gì thuộc về cá thì đều có thể ăn được, cũng không phải tất cả các bộ phận trên con cá đều an toàn.
Có hai bộ phận của cá mà bạn tuyệt đối không nên ăn
1. Mật cá
Đông y thường hay nói mật cá thanh nhiệt giải độc , sáng mắt trừ ho. Nên cho dù mật cá tanh đắng, vẫn có nhiều người thích ăn. Thực ra, điều mà mọi người có thể chưa biết là mật cá vô cùng nguy hiểm. Đừng bao giờ để giải độc lại thành ra trúng độc.
Bởi vì trong dịch mật cá chứa độc tố có độc tính cao như Sodium 2-ethylhexyl sulfate…Những độc tố này chịu được nhiệt lại không bị phá hủy bởi rượu, do đó cho dù mật cá có nấu chín, hay nuốt sống, hoặc là uống cùng với rượu đều vẫn có khả năng xảy ra ngộ độc.
2. Não cá
Cá nuôi càng lâu thì hàm lượng kim loại nặng trong não càng cao. Nếu ăn não cá, rất có thể bị ngộ độc. Các bộ phận trên mình cá có hàm lượng thủy ngân cao được xếp theo thứ tự sau: Đầu cá, da cá, thịt cá, trứng cá. Vì vậy những người thích ăn đầu cá cần ghi nhớ, cá càng lớn tuổi thì không nên ăn để tránh bị ngộ độc.
Các món ăn từ cá là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn cá cần hiểu rõ về cá để tránh những tổn hại cho cơ thể mới thực sự đảm bảo ăn uống lành mạnh , có tác dụng tốt cho sức khỏe.