Chợ cũ bị lãng quên
Để phù hợp với xu hướng đô thị hóa và giúp bộ mặt thành phố trở nên văn minh sạch đẹp, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn các quận ở Hà Nội đã được thay đổi. Sau khi thành phố chấp thuận phương án phá bỏ chợ dân sinh, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng lên mô hình chợ - TTTM. Các chợ truyền thống, dân sinh như chợ Hàng Da, chợ 19/12, chợ Thanh Trì đã được chuyển thành mô hình chợ - TTTM. Ngoài đặc điểm buôn bán các thực phẩm thiết yếu như chợ dân sinh, các khu chợ mới còn sở hữu đa dạng các mặt hàng khác cùng sự hiện đại, sạch sẽ của Trung tâm thương mại
Với "phong cách" mới, các khu chợ - TTTM được kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng các gian hàng thực phẩm bày bán vô tổ chức khiến đường đi, các con ngõ nhỏ, vỉa hẻ bị lấn chiếm. Thay vì thế,giờ đây đã được sắp xếp hợp lí theo các ki ốt, khu riêng biệt ở các tầng và tầng hầm của một tòa nhà. Vấn đề ùn tắc giao thông ở các chợ dân sinh cũ cũng được hy vọng sẽ chấm dứt khi người mua phải gửi xe thì mới được vào, không được di chuyển phương tiện giao thông liên tục ở chợ.
Tuy nhiên, cũng chính việc sắp xếp một cách có “quy củ” này đã khiến nhiều người dân ngại đến những khu chợ - TTTM đã được quy hoạch, để mua bán vì chưa bỏ được thói quen đi chợ truyền thống. Khiến cho các chợ - TTTM là chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam,... trở nên đìu hiu cả vào ban sáng lẫn chiều.
Bà Phạm Tương Lai (60 tuổi), sống tại phố Quang Trung chia sẻ về thói quen đi chợ của mình: “Dù chợ Hàng Da hiện đại, tiện ích nhưng nếu tôi đi mua hàng vào mỗi sáng tôi sẽ chọn ở các khu chợ bày bán ở ngay đường khu Nguyễn Văn Tố vì ở đó tôi không phải gửi xe mà vẫn lựa chọn được các mặt hàng mình muốn”.
Không chỉ vắng người mà còn rơi vào tình trạng bị bỏ quên từ rất lâu, chợ - TTTM Thanh Trì trên phố Ngọc Hồi, Huyện Thanh Trì. Công trình này vốn sở hữu diện tích lên đến 7.906m2, xây dựng lại với quy mô 7 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng. Chợ Thanh Trì sau quy hoạch đã đi vào hoạt động từ 2004, tính đến nay đã được 14 năm.
Đến thời điểm hiện tại theo quan sát của phóng viên, ngoài khu trung tâm thương mại ở 7 tầng nổi còn một sốgian hàng bán các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, vẫn có người mua ghé thăm. Trái lại, ở tầng hầm, các gian hàng hoạt động gần giống chợ dân sinh nhưng có nhiều ki-ốt đóng cửa hoặc để trống, số lượng gian hàng hoạt động đếm trên đầu ngón tay, lác đác người mua. Phần còn lại ở khu tầng hầm trống rỗng, được dành để xe ô tô hoặc lộn xộn bởi các món hàng, bao tải được để gom vào một chỗ.
Khi được hỏi về tình hình chợ, một số người chủ của gian hàng còn ở lại cho rằng, thời gian đầu khi đi vào hoạt động, khu tầng hầm có nhiều gian hàng bán cá, rau,… nhưng không lâu sau đó hầu hết người bán lại tập kết ở khu chợ Văn Điển, hoặc vỉa hè trong ngõ 265 Ngọc Hồi - con ngõ ngay cạnh chợ Thanh Trì. Lý do bởi ít người đến mua hàng, tầng hầm bí bách và dễ bốc mùi khó chịu.
Ông Văn Lâm (58 tuổi), sống trong phố 265 Ngọc Hồi, đã ở đây hơn 30 năm chia sẻ về khu chợ: “Thực sự họp chợ ở dưới tầng hầm không chỉ bí bách mà còn khiến nhiều người ngại vào vì phải gửi xe trước đó thì mới được xuống chợ. Ngay từ ban đầu, khi chợ mới được xây, hầu hết những người dân đều đến các chợ cóc xung quanh khu này chứ không mấy ai đi chợ ở chợ - TTTM Thanh Trì”.
Chợ mới sống “ngoắc ngoải”
Chợ Hàng Bè là khu chợ đã gắn bó với người dân ở Phố Cổ từ lâu đời. Là nơi sinh hoạt giao lưu cũng như là không gian văn hóa của những người dân nơi đây. Trong dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, chợ truyền thống Hàng Bè đã bị giải tỏa để khiến cho Phố cổ, TP Hà Nội có môi trường trong sạch hơn. Không lâu sau đó chợ Hàng Bè đã chuyển đến nơi ở mới, thay đổi diện mạo với mô hình Chợ - TTTM Hàng Bè ở phố Vọng Hà, Quận Long Biên.
Nhưng chính sự thay đổi này không chỉ khiến người dân phần nào quên đi sự tồn tại của chợ Hàng Bè lâu năm nằm trong con phố Gia Ngư mà còn làm họ bỏ quên cả mô hình mới của chợ Hàng Bè. Sau 5 năm hoạt động dưới mô hình chợ - TTTM kể từ năm 2013, chợ Hàng Bè đang “sống dở chết dở”, không một bóng người mua kẻ bán.
Chợ Hàng Bè có nhiều không gian và tiện lợi hơn chợ Thanh Trì là có tới hai tầng 1 và 2 của tòa nhà TTTM dành cho không gian chợ truyền thông, không phải ở dưới tầng hầm. Nhưng số phận của hai chợ truyền thống được chuyển đổi mô hình này không kém cạnh gì nhau, thậm chí chợ Hàng Bè còn thê thảm hơn.
Từ sáng cho đến chiều, ở tầng 1 chợ chỉ có một cửa hàng bán buôn thủy sản, ngoài ra không có thêm gian hàng, chủ hàng nào khác hoạt động. Các bàn đá dành trong các gian hàng trống không, phần lớn không gian của tầng lộn xộn, thành nhà kho chứa đồ. Tầng hai là không gian, rộng rãi, hiện đại, sạch sẽ nhưng cũng không có sự xuất hiện bóng hình của chợ truyền thống. Dù xuất hiện rất nhiều ki ốt hưng không có ki ốt nào được thuê, đi vào hoạt động. Giống không gian tầng 1 tầng 2 cũng chỉ để các bao tải hàng hóa.
Những người dân quanh khu phố Vọng Hà cho hay từ khi đi vào hoạt động, chợ không thấy các chủ hàng đến bán hàng nên cũng không có người đến chợ. Anh Nguyễn Nam - quản lí tòa nhà của chợ - TTTM Hàng Bè chia sẻ rằng dù các ki ốt trong khu chợ dành cho những người buôn bán ở khu chợ cũ chuyển đến. Dù vậy từ những ngày đầu hoạt động, chợ chỉ có một vài hộ chuyển đến, sau đó chỉ còn một hộ bán buôn thủy hải sản. Chính việc không có người bán nên người mua cũng không đến và họ tìm đến những khu chợ cóc xung quanh phố để lựa chọn.
Anh Nam cho rằng, tình trạng không có chủ hàng đến hoạt động hoặc rời đi sớm tại chợ Hàng Bè mới là do họ không "làm ăn" được và vẫn muốn bán ở khu chợ cũ trên vỉa hè nhà của chính mình.
Mô hình chợ hiện đại mặc dù cải thiện được sự nhếch nhác, thiếu trật tự của chợ truyền thống, dân sinh ở đô thị. Nhưng để tránh tình trạng đìu hiu, “vắng như chợ chiều” ở các khu chợ TTTM kể trên, TP. Hà Nội có lẽ cần có cái nhìn toàn diện, lâu dài để xây dựng quy hoạch chợ một cách khoa học và phù hợp.
Huy Hoàng