Một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) - người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: "Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam; xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á".
Năm 1976, sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư ở Liên Xô, bà Mai Kiều Liên trở về Việt Nam với mong muốn được cống hiến tài năng và sức trẻ cho Tổ quốc. Thời gian đầu, bà làm việc cho Công ty Sữa và Cà phê miền Nam (tiền thân của Vinamilk) và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa doanh nghiệp này. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức trưởng ca, rồi Phó Giám đốc kỹ thuật, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Từng ấy năm công tác và lãnh đạo, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam.
Thương hiệu Vinamilk được Forbes Việt Nam định giá hơn 2,4 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị của Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2020. Với hơn 40 năm dẫn dắt Vinamilk, bà Mai Kiều Liên được coi là linh hồn của công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Vị "nữ tướng" quyết liệt mà bình dị này cũng là người phụ nữ đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời".
Những dự án "Vì sức khỏe cộng đồng"
Với khát khao cháy bỏng và chữ TÂM kiên định cho một tương lai tốt đẹp, hơn 10 năm qua, nữ doanh nhân Thái Hương đã miệt mài trên con đường "Vì sức khỏe cộng đồng" để kiến tạo nên những dự án kinh doanh tử tế.
Vào thời điểm năm 2008, khi sự cố sữa nhiễm melamine gây chết người xảy ra tại Trung Quốc, thị trường sữa Việt Nam một phần được nhập từ Trung Quốc. Ngay khi đó, bà Thái Hương quyết định sẽ làm sữa dù chưa biết nhiều về ngành này.
Bà Thái Hương là nhà kiến tạo cho sự thay đổi bản chất của ngành sữa khi giúp thay đổi tỷ trọng sữa bột pha lại trên thị trường sữa từ 92% năm 2008 (thời điểm trước khi TH gia nhập thị trường) xuống chỉ còn 60% như hiện nay. Bà Thái Hương được coi là người "tìm ra chiếc chìa khóa vàng cho nông nghiệp Việt Nam" khi tiên phong ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm thực phẩm, sữa tươi sạch, hữu cơ. Khởi đầu con đường thực phẩm sạch mà bà và Tập đoàn TH tạo dựng chính là dự án chăn nuôi bò sữa và sản xuất sản phẩm sữa tươi sạch TH true MILK (gọi tắt là Dự án Sữa tươi sạch TH true MILK).
Dự án Sữa tươi sạch TH true MILK được triển khai từ tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng đàn bò đạt 45.000 con. Tập đoàn TH với tư duy lãnh đạo của bà Thái Hương đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ sữa thế giới khi trang trại bò sữa xác lập kỷ lục "Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á", do tổ chức Kỷ lục châu Á (Asian Book of Records) chứng nhận.
Với phương châm sản xuất kinh doanh: Nghiêm túc, chân chính và kiêu hãnh, Tập đoàn TH đã mang lại những giá trị đích thực cho cộng đồng. Sự yêu mến của người tiêu dùng Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế của thương hiệu TH trên thị trường Việt Nam. Và đó là bước đệm để TH tiến bước ra thị trường quốc tế với những dự án lớn như xuất khẩu sữa tươi chính ngạch sang Trung Quốc hay chăn nuôi bò sữa tại Liên bang Nga.
Sau các sản phẩm từ sữa tươi với thương hiệu TH true MILK, Tập đoàn TH lấn sân sang lĩnh vực đồ uống tốt cho sức khỏe, với các sản phẩm cao cấp như: Nước tinh khiết TH true WATER, sữa hạt TH true NUT, nước gạo rang TH true RICE và các dòng đồ uống từ trái cây tự nhiên như nước trái cây TH true JUICE, nước uống sữa trái cây TH true JUICE milk. Trên lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ, Tập đoàn TH tiếp tục đầu tư các dự án nông sản, dược liệu tại khu vực đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên. Tại Nghệ An, TH đã phát triển Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu - sản xuất thức uống thảo dược. Mô hình phát triển thảo dược dưới tán rừng nhằm góp phần lưu giữ nguồn gen quý bản địa được TH tiếp tục khảo sát tại Sơn La, Hà Giang và một số tỉnh thành khác.
Mang sơn Việt đi khắp năm châu
Xuất thân từ dân kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn sơn Kova không biết nhiều về kinh doanh nhưng lại trở thành doanh nhân "bất đắc dĩ" khi tạo ra một thương hiệu sơn nổi tiếng. Tập đoàn sơn Kova hiện có mặt tại 7 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Malaysia… với 12 nhà máy lớn.
Sinh ra trong gia đình nghèo ở Nghệ An, bà Nguyễn Thị Hòe trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội khi đã có 3 con nhỏ. "Đó là cái liều đầu tiên của cuộc đời tôi", bà Hòe nói. Nhờ chăm chỉ và vượt khó, bà được giữ lại làm việc tại trường Bách Khoa Hà Nội. Năm 1986, bà chuyển sang Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu. Với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm từ vỏ trấu, nữ tiến sĩ đã giành được giải thưởng Kovalevskaia. Đó là giải thưởng danh giá vinh danh các nhà khoa học nữ nổi bật trên toàn thế giới mà PGS, TS Nguyễn Thị Hòe được trao từ năm 1993. Về sau, bà Nguyễn Thị Hòe lấy chữ Kova để đặt tên cho hãng sơn của mình.Năm 1993, sau giải thưởng đó, bà quyết định kinh doanh chính những sản phẩm do mình làm ra. Khoảng năm 2000, nữ Giáo sư sang Mỹ để tìm đối tác. Do khó khăn về tài chính, bà bán chiếc xe máy để gom tiền đi Mỹ. Bà sang Mỹ với số tiền chỉ vỏn vẹn 500 USD và thùng mì gói. Đây là cái liều thứ hai trong cuộc đời bà.
Những năm 2000, bà Hòe nhận thấy thị trường tiềm năng tại Singapore nên đến đây tìm khách hàng và quyết định đưa sản phẩm vào Singapore. "Nếu đã thành công tại thị trường này, con dấu chứng nhận nhãn hiệu của Singapore đủ để giúp Kova có thể đi khắp mọi nơi", nữ Tiến sĩ nói.
Tuy nhiên, thời gian đầu rất gian nan. Sơn của bà nhận được phản hồi không mấy tích cực, không được đánh giá cao. Theo bà, họ nghĩ rằng Việt Nam chỉ trồng cà phê, tiêu, điều thôi. Nhưng rồi bà đã tìm cách đưa các sản phẩm vào trung tâm kiểm nghiệm uy tín của Singapore với chi phí rất cao. Với những trải nghiệm tại Mỹ và chứng nhận tại Singapore, bà đã thuyết phục được một số khách hàng tại đảo quốc sư tử.
Thế nhưng, phải đợi đến khi tham gia vào dự án sơn lại Trung tâm Thương mại Vivo City năm 2009, sơn Kova mới bắt đầu tạo được dấu ấn tại Singapore. Trung tâm này vốn nằm gần cảng, ngay trục đường cao tốc và bãi đậu xe nên mảng tường bên ngoài bám bụi rất nhiều.
Thấy hầu hết hãng sơn nổi tiếng từ Đức, Mỹ, Nhật tại Singapore đều không đáp ứng được yêu cầu, vị nữ Tiến sĩ đã biết đây là cơ hội của mình và cố hết sức để nắm bắt. Nhà thầu Nhật đã rất ưng ý với các sản phẩm của Kova. Từ dự án Vivo City, nhà thầu Nhật này sau đó tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của sơn Kova. Đến nay, sơn Kova của bà Nguyễn Thị Hòe đã vươn tầm thế giới khi có mặt tại 7 quốc gia với 12 nhà máy lớn.
"Nhà khoa học giỏi nghiên cứu nhưng phải liều. Liều ở đây là vượt qua những gian nan thử thách. Có Kova ngày nay, một phần rất lớn là nhờ sự liều lĩnh, gian nan một thời", nữ Tiến sĩ khẳng định.
Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) vừa được công bố cho thấy, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam ở mức 26,5%, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo. Tính tới cuối tháng 9/2019, Việt Nam có hơn 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành, chiếm khoảng 24% tổng số doanh nghiệp khắp cả nước.
Nguồn: https://baodansinh.vn/nhung-nguoi-phu-nu-kien-tao-thuong-hieu-viet-2021030810150217.htm?fbclid=IwAR3cMAV2-Ehyl1jIdAdaEK7Eyd-mzr1gJOrR4s0tKbvaVpX2-CRtrU0jofM