Những người thợ xây đang thi công cầu thang cho 1 ngôi nhà tại Hà Nội

Những người thợ xây đang thi công cầu thang cho 1 ngôi nhà tại Hà Nội

Mưu sinh dưới nắng nóng 40 độ giữa lòng Hà Nội

Ngay từ những ngày đầu hè nhiệt độ tại thủ đô tăng cao, có những ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C, đi xe trên đường mồ hôi ướt sũng áo. Hơi nóng bốc từ mặt đường hầm hập phả vào da thịt. Nóng và ngột ngạt đến mức như căng ra, đến thở cũng còn khó.

Ấy vậy mà giữa cái nắng nóng như thiêu đốt đó, ngoài kia những người thợ xây công trình vẫn miệt mài gồng mình với công việc vì cuộc sống mưu sinh.

Những người thợ mà chúng tôi gặp đa phần là đàn ông, họ hầu hết cũng là dân lao động nghèo từ quê lên thành phố, không biết buôn thúng bán mẹt, họ chọn đi làm thợ xây, thợ hồ cho các công trình để kiếm miếng cơm manh áo.

Kể về công việc của mình, chú Phạm Văn Nghị (52 tuổi – Thái Bình) cho hay: “Ở quê người ta cũng thuê thợ nhưng ngày công không bằng trên này. Chúng tôi có được đào tạo qua trường lớp nào đâu, làm lâu thì tay nghề lên cao, làm được những ngôi nhà thiết kế phức tạp thì công thợ cao hơn 1 chút. Xa vợ con thì cũng nhớ thật đấy nhưng vì đồng tiền nên cũng đành cố gắng thôi”.

Không chỉ chú Nghị, hầu hết những người thợ này đều không có nhiều sự lựa chọn, nhưng miếng cơm manh áo chính là thứ động lực bất tận giúp họ đối phó với nắng nóng bỏng rát da thịt của Hà Nội.

Cùng tổ thợ với chú Nghị, chú Nguyễn Văn Tuấn cũng chia sẻ: “Nắng rám cả mặt. Mấy hôm trước đổ mái như nướng người trên nóc tầng 6, mấy ông trát vữa trong nhà thì kêu không khác gì xông hơi. Có ông say nắng quá đứng không vững anh em phải đưa xuống nghỉ ngơi. Khỏe thì làm, mệt phải nghỉ, không ai phàn nàn ai làm ít làm nhiều bao giờ”.

Để tiết kiệm thời gian làm, đối phó thời tiết những người thợ xây dậy từ rất sớm. Bữa sáng với họ là không thể thiếu nhưng lúc nào cũng vội vàng trong tranh thủ. 5 giờ sáng khi mặt trời còn chưa kịp ló, những người xung quanh còn chìm trong giấc ngủ hay say sưa với những bài thể dục sáng thì họ đã xách đồ nghề lên đường để bắt đầu công việc ngày mới.

Ấy vậy mà thời gian làm cũng chẳng được bao nhiêu khi mặt trời lên nhanh chóng và đốt hầm hập lên cả Hà Nội. Cố gắng lắm thì họ cũng chỉ có thể làm đến khoảng 11 giờ trưa là phải lui về nghỉ ngơi. Những ngày nắng nóng cao điểm họ phải nghỉ sớm hơn giờ đó để đảm bảo sức khỏe.

Nhưng đâu chỉ thời tiết khắc nghiệt, những người thợ xây còn bị rình rập bởi những rủi ro về tai nạn lao động khi làm việc trên những ngôi nhà cao tầng, có lúc phải đu dây như “người nhện”... Trường hợp ngã giáo, gạch vữa rơi vào đầu... là điều không thể tránh khỏi. Có khi còn phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.

Khi nói về những nguy hiểm công công việc, anh Trần Văn Hoan chia sẻ: “Nắng nóng như lửa đốt, đứng trên mái nhà 1 tiếng là phải vào chỗ râm chứ đứng cả buổi không ai chịu nổi. Chẳng may hoa mắt, chóng mặt là không nhìn thấy trời đâu đất đâu. Lúc ấy chỉ sảy chân 1 chút thôi là rơi xuống đất như chơi, từ tầng 2 tầng 3 rơi xuống cũng chết chứ nói gì đứng trên tầng 6 thế này”.

Không chỉ anh Hoan, đó cũng là nguy hiểm chung mà những người thợ xây phải đối mặt. Tuy biết vậy nhưng không làm thì gia đình lấy gì ăn, con cái lấy gì mà đi học. Cả đời vất vả, cơ cực tương lai con cái họ không muốn lại vất vả như bố mẹ chúng nó phải chịu. 

Những người phụ nữ làm phu hồ chuyển vật liệu, gạch đá, đảo hồ... cho các công trình xây dựng

Những người phụ nữ làm phu hồ chuyển vật liệu, gạch đá, đảo hồ... cho các công trình xây dựng

Xa nhà, xa vợ con ai mà không nhớ

Qua câu chuyện với những đội thợ xây đnag mưu sinh ở các công trình xây dựng tại Hà Nội không khó để bắt gặp những cặp vợ chồng cùng có mặt tại đây. Đối với họ việc gửi con cái cho ông bà trông coi để lên Hà Nội làm việc là chuyện bất đắc dĩ và càng thương hơn khi nghe họ kể về những câu chuyện của chính gia đình mình.

Nói về cuộc sống lao động xa nhà, chú Nghị tâm sự: “Tôi làm công nhân xa nhà thường xuyên, có khi cả tháng mới về thăm nhà 1 lần, ở quê có người cứ trêu vợ tôi là cẩn thận có ngày mất chồng nhưng vợ tôi chỉ cười vì cô ấy biết tôi không bao giờ sai với cô ấy. Tôi đi làm thế này tiền nuôi vợ con còn không đủ lấy đâu ra nuôi vợ bé”

Là đàn ông dù mạnh mẽ đến đâu nhưng giữa bộn bề vất vả của cuộc sống mưu sinh, xa vợ con, xa gia đình ai mà chẳng buồn lòng, nhớ nhung.

“Anh em chúng tôi ở đây có người cùng quê, có người nơi khác nhưng nhìn chung anh em cùng cảnh làm lao động chân tay nên thông cảm hoàn cảnh của nhau. Hôm nào nhớ nhà, nhớ vợ con thì mấy anh em ngồi với nhau làm dăm ba chén rượu cũng vơi bớt nỗi niềm", một thợ xây khác cho biết.

Để khỏa lấp nỗi nhớ nhà nhiều khi những câu chuyện vui với anh em, đồng nghiệp lại là những lời động viên ý nghĩa. Đêm về khi vùi mình vào giấc ngủ dù có chút lung lay nhưng tự nhủ vì gia đình, con cái rồi lại cố gắng và cố gắng.

Với họ, hi sinh đi sự gần gũi gia đình con cái thì niềm vui lớn lao nhất chính là cảm giác được cầm những đồng lương gửi về quê cho vợ con. Mỗi lần như vậy họ như lại gửi gắm cả niềm hi vọng cho một tương lai của con cái mình.

“Mình còn sức khỏe ngày nào thì cố gắng làm việc để lo cho con cái học hành, cho chúng có tương lai tươi sáng hơn. Con gái tôi sắp tốt nghiệp đại học, ước mơ của nó là mua được 1 chiếc xe máy mới. Mong trời thương cho anh em tôi sức khỏe để làm việc. Mong tháng này trời không mưa”.

Đó là tâm sự của một người thợ xây nhưng cũng chính là tâm sự của một người cha. Giọng nói đó nghe thật đắng chát nhưng ánh mắt mới ấm áp biết bao bởi ông đang nghĩ đến hình ảnh đứa con gái mình được cưỡi trên chiếc xe máy đẹp lúc ra trường.

 Nguồn: https://giadinhvietnam.com/nhung-nguoi-tho-muu-sinh-duoi-nang-nong-40-do-c-giua-long-ha-noi-d145084.html
 

Theo Giadinhvietnam.com