Báo cáo mới đây nhất của SSI Research đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ổn định khoảng 6,5% so với năm trước (cao hơn kế hoạch của Chính phủ là 6%). Mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%).
SSI Research cũng ước tính mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể đạt 12%. Năm 2021, con số này được dự báo nằm trong khoảng 13% - 14%, cao hơn ước tính năm 2020 và sát với năm 2018 và 2019 là hơn 13%.
Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế, SSI Research cũng dự báo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.
Cơ sở cho quan điểm lạc quan đến từ nền kinh tế phục hồi nhờ sản xuất thành công vắc-xin Covid-19, chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
Dẫu dự báo lạc quan cho nền kinh tế, song, SSI Research đặt ra lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kịch bản tăng trưởng.
Đầu tiên, nới lỏng chính sách tài khóa (được coi là một công cụ chính sách hiệu quả trên thế giới) có thể đi kèm với khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đặc biệt nếu Việt Nam không đủ khả năng xử lý gánh nặng nợ công tăng cao, đặc biệt trong trưởng hợp kinh tế hồi phục chậm hơn dự kiến.
Rủi ro khác đến từ lạm phát. Năm 2021 là năm đầu tiên, Việt Nam áp dụng tỷ trọng CPI mới (giảm tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, hàng điện tử, điện gia dụng và tăng tỷ trọng đối với nhà ở và dịch vụ như giáo dục, y tế, giải trí, viễn thông). Với điều chỉnh trọng số này, nhu cầu tăng tại các nước láng giềng Trung Quốc (cùng với việc tăng trưởng GDP mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-`9) có thể có tác động ít hơn đến mức giá tại Việt Nam.
SSI Research chỉ ra, đại dịch Covid-19 vẫn luôn là trọng tâm trong dự báo, và bất kỳ sự kiện nào liên quan đến việc thử nghiệm, triển khai, chấp nhận vắc-xin, hay biến thể virus có thể tác động mạnh đến đà phục hồi.
Rủi ro cuối cùng mà SSI Research đưa ra đó là việc Hoa Kỳ áp thuế bổ sung trên cơ sở các cáo buộc về định giá thấp đồng nội tệ. Tuy nhiên, nếu các mức thuế bổ sung dẫn đến các cuộc đàm phán thương mại, đây có thể là một tin tốt, vì Việt Nam cần một Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, nhất là sau khi quốc gia này rút khỏi hiệp định TPP, do đó các cuộc đàm phán với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) có thể là lý do tốt để tái khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do.
Nguồn: https://reatimes.vn/nhung-nhan-to-lam-xe-dich-kich-ban-tang-truong-kinh-te-cn-20201224000000111.html