Thị trường chứng khoán Việt Nam dần sôi động trở lại sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 11/3/2023 với một số nội dung quan trọng - đây là cơ sở tiền đề quan trọng để thị trường sẽ tích cực hơn trong thời gian tới bên cạnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 16/2021 về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng nhẹ so với quý IV/2022. (Nguồn: Bloomberg, BSC Research)
Giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng nhẹ so với quý IV/2022. (Nguồn: Bloomberg, BSC Research)

Ngoài thông tin trên, theo BSC, tháng 4 này, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có khá nhiều sự kiện có khả năng tác động mạnh mẽ đến thị trường, tâm lý của nhà đầu tư.

Sự quyết tâm của Chính phủ, NHNN và các Bộ ban ngành trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành du lịch, thúc đẩy đầu tư công,… nhằm tạo động lực tăng trưởng thời gian gần đây là thông tin tích cực tác động tới thị trường chứng khoán.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để chuẩn bị trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2023 bên cạnh công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023 tập trung tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực bất động sản, dự án đường bộ cao tốc tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản và nhóm ngành liên quan.

Bên cạnh đó, động thái tiếp tục giảm lãi suất của NHNN và giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp trong thời gian tới bên cạnh việc chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội ngoài ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng còn tác động tích cực đến thị trường nói chung.

Mùa Đại hội cổ đông và báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm 2023 tiếp tục diễn ra bên cạnh một số thông tin bán cổ phần, dự án một số doanh nghiệp… giúp thị trường có thông tin hỗ trợ, hứa hẹn sẽ tiếp tục hâm nóng cho thị trường.

Diễn biến dòng tiền khối ngoại, tốc độ tăng ròng ETF Fubon và các ETF nội đến kỳ cơ cấu, điều chỉnh tác động đến thanh khoản, xu hướng.

Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu khởi sắc bên cạnh sự lạc quan của các tổ chức về triển vọng tăng trưởng của quốc gia này trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường tạo động lực tăng trưởng kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt trở lại.

Ở chiều ngược lại, cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, điều này có thể khiến FED, ECB và các ngân hàng trung ương xem xét lại định hướng chính sách tiền tệ của mình trong thời gian tới.

Xung đột giữa Nga - Ukraine có thể sẽ tiếp tục căng thẳng sau động thái có thể đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus bên cạnh sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Sự kiện này được dự đoán sẽ gây tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu vực và thế giới.

Diễn biến đầy bất ngờ xung quanh sự sụp đổ của Credit Suisse, Sillicon Valley Bank, Siganture Bank tại Hoa Kỳ đã làm tâm lý nhà đầu tư lo ngại về khả năng có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Tuy nhiên, sự vào cuộc quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong nỗ lực tránh một sự đổ vỡ mang tính hệ thống đã làm giảm bớt đi tâm lý bi quan của giới đầu tư, đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao mặc dù đã có dấu hiệu suy giảm ở một số quốc gia.

Trong bối cảnh thế giới vẫn nhiều bất ổn, NHNN đã có những quyết sách mang tính "bước ngoặt" khi giảm lãi suất điều hành hướng đến giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Tỷ giá ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, thanh khoản hệ thống được đảm bảo bên cạnh nỗ lực của các Bộ ban ngành trong việc đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực sẽ là động lực để hướng đến các kết quả tích cực hơn trong quý II và giai đoạn còn lại của năm 2023 sau quý I thực sự nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia phân tích của BSC khuyến nghị một số nhóm ngành bao gồm: nhóm cổ phiếu đầu tư công, nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, nhóm Tài chính - Ngân hàng.

Nhà đầu tư cần tiếp tục bám sát diễn biến dòng tiền của khối ngoại, các ETF lớn cũng như các sự kiện đáng chú ý trong nước và quốc tế để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp - đặc biệt là các diễn biến liên quan đến quan điểm điều hành của các ngân hàng trung ương lớn, tình hình hệ thống ngân hàng khu vực châu Âu, Hoa Kỳ./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/su-kien-tac-dong-manh-toi-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-20201224000018898.html