Xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng 20 năm trở lại đây, ban đầu homestay hướng đến phục vụ chủ yếu là du khách nước ngoài, với ưu điểm được ăn, ngủ, sinh hoạt như một người bản địa.
Sau này, mô hình homestay ngày càng phát triển và được ưa chuộng bởi nhu cầu trải nghiệm ngày càng lớn, không chỉ du khách nước ngoài mà chính người Việt cũng tò mò về loại hình này.
Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, tính riêng tại TP.HCM năm 2016 có khoảng 6.200 homestay, thì đến năm 2017 con số đã tăng vọt lên hơn 15.000 chỗ ở và giữa năm 2018 đã ở mức trên 20.000.
Tại Hà Nội số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ 3.200 homestay năm 2016 lên hơn 8.100 năm 2017 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Dũng – CEO Luxstay – nền tảng chuyên cho thuê homestay tại Việt Nam tiết lộ, mỗi tháng công ty tiếp nhận hàng nghìn đơn đăng kí tham gia hệ thống của các chủ nhà.
Nguồn cung lớn, nhu cầu du lịch trải nghiệm ngày một tăng cao, khiến số lượng đặt phòng trên Luxstay tăng trưởng đều đặn 20%. Tháng cao điểm, công ty phục vụ tới 15.000 lượt đặt phòng và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào dịp cuối năm.
Minh Tuấn (28 tuổi, TP.HCM), một bạn trẻ thường xuyên sử dụng các dịch vụ homestay cho biết: “Homestay với tôi không đơn thuần là nơi để ở. Có những hoạt động vui chơi, giải trí, sinh nhật, liên hoan… mà cả nhóm bạn đông người cùng tham gia, thì thuê homestay là rất phù hợp”.
Bạn trẻ này cho biết, trung bình một căn homestay đủ cho 10 người giá thuê 1 ngày đêm là từ 3 – 5 triệu đồng. Mức giá này khá cạnh tranh so với các khách sạn, dịch vụ lưu trú truyền thống. Chưa kể homestay đem lại cảm giác riêng tư và ấm cúng hơn.
Còn theo ông Tào Văn Nghệ, một chuyên gia trong ngành khách sạn: "Dịch vụ chia sẻ phòng đang phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng".
Ngoài Luxstay là một nền tảng Việt Nam, Airbnb - ứng dụng cho thuê homestay toàn cầu cũng góp mặt vào sân chơi này. Khoảng 2 năm trước, Airbnb có chừng vài ngàn phòng thuê, tập trung tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Đến nay, theo số liệu không chính thức, Airbnb hiện đã có hơn 16.000 phòng tại Việt Nam. Con số này tương đương tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2 - 4 sao ở TP.HCM.
Chính vì vậy, sức nóng từ homestay khiến nhiều chủ khách sạn, đặc biệt là các khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại sẽ bị vượt mặt trong tương lai không xa.