Thống kê số liệu tài chính của 26 ngân hàng cho thấy, trong quý I/2021 có tới 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh quanh mức 30%. 

Ở chiều ngược lại, có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm là VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất, đột ngột giảm từ 1.883 tỷ đồng xuống còn 560 tỷ đồng nhờ ngân hàng đã bán xong số cổ phiếu STB của Sacombank - là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm khách hàng đã được ghi nhận vào nợ nhóm 5 hồi cuối năm 2019. Còn 4 ngân hàng có nợ xấu giảm nhẹ dưới 12% gồm Techcombank, Sacombank, SeABank, BacABank.

Đáng lưu ý, trong quý I/2021, bên cạnh lãi dự thu đi ngang hoặc giảm nhẹ tại một số ngân hàng như như ACB, MB, VPBank, SCB, Sacombank, BIDV… thì một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng ở mức cao như lãi dự thu của NamABank tăng 34,5%, VietinBank tăng 16%, Vietcombank tăng 17%, của SeABank tăng 26,4%... cho thấy mức lãi dự thu trong tổng thu nhập của các ngân hàng còn khá lớn.

"Lội ngược" báo cáo tài chính của một số ngân hàng trong nhiều năm cũng cho thấy nhiều khoản lãi dự thu được “treo” trong thời gian khá dài, thể hiện rủi ro nợ xấu tiềm ẩn cũng như tính thực chất của lợi nhuận. 

Thừa nhận thực tế này, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cho biết, rủi ro và chất lượng tài sản ở hoạt động cho vay năm 2021 là một câu hỏi rất lớn.

“Chúng tôi kỳ vọng năm 2021 sẽ kiểm soát được nợ xấu dưới 1% theo Nghị quyết trình Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, thực tế thì nợ xấu diễn biến theo mức độ tác động của đại dịch COVID-19 và một số yếu tố tác động khách quan khác”, ông Hùng Huy thông tin.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP OCB cho rằng, các ngân hàng đã lên kịch bản đối phó với tác động của dịch COVID-19, nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn sẽ gia tăng.

Đặc biệt, trong bối cảnh trong 22 ngày qua, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã lan ra 27 tỉnh, thành phố với tổng số ca mắc lên tới 1.399 với số ca mắc luôn vượt ngưỡng 100 ca bệnh/ngày.  

Nhận định về áp lực của ngân hàng trước những cú đá bồi của đại dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN khiến một phần nợ xấu đang ở dạng tiềm ẩn và sẽ dần dần hiện hình khi thời hạn của các Thông tư này kết thúc.

Nợ xấu ngân hàng
Nợ xấu ngân hàng sẽ về đâu trước đợt bùng phát mới của dịch 

Cùng với đó, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN buộc các ngân hàng phải trích lập dần cho các khoản nợ cơ cấu này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 đang quay lại, các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng để tăng sức chống chịu trong tương lai. Lợi nhuận tăng trưởng quý I/2021 là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tăng trích lập dự phòng những quý tới, ông Thịnh nhấn mạnh.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tăng lên mức 2,5 - 3% cuối năm 2021 cùng với trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro tăng thêm trong 3 năm theo Thông tư số 03 vừa có hiệu lực từ ngày hôm  qua (17/5).

Tuy nhiên, dù mức độ rủi ro và sức chịu đựng của thị trường tài chính Việt Nam đang ở trung bình khá, song nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn là rất tiềm ẩn, nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả. 

Theo Khánh Linh/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/no-xau-ngan-hang-se-ve-dau-truoc-dot-bung-phat-moi-cua-dich-covid-19-post134088.html