Người tiêu dùng Việt: Chịu chi chưa chắc đã... dễ dãi với bảo hiểm

Chia sẻ với truyền thông Việt Nam, ông Anil Wadhwani, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife khu vực châu Á cho hay: "Cơ hội phát triển ở châu Á của ngành bảo hiểm là rất lớn, đặc biệt tại các thị trường như Việt Nam, vốn là nơi có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp. Các chi phí liên quan đến dịch vụ y tế chất lượng ngày càng tăng cũng như gánh nặng cho người tiêu dùng ngày càng nhiều khi họ phải nỗ lực làm việc để có được những khoản tiền tiết kiệm khi về già”.

Mặc dù nhận thức của người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM về bảo hiểm nhân thọ đã thay đổi, họ dần hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm nhưng đại diện Hanwha Life - 1 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận rằng đa phần mọi người vẫn ngại ngần và chưa thực sự chủ động tham gia.

"Đây chính là một trong những khó khăn và thách thức của ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung và Hanwha Life nói riêng", vị này nhấn mạnh.

Nắm được tiềm năng cũng như cái yếu của thị trường nhưng để khắc phục những khó khăn cũng như chinh phục được một thị trường "chịu chi" nhưng không hề dễ tính như Việt Nam còn là điều mà cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài băn khoăn.

Trong khi lý do khiến người mua ngại ngần với bảo hiểm vẫn chỉ xoay quanh việc mất niềm tin vào bảo hiểm bởi hàng loạt những vụ việc lừa đảo, trục lợi bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp lại loay hoay tìm cách gia tăng thị phần, mở rộng quy mô với hi vọng sự lớn mạnh ấy sẽ "đốn gục" được trái tim hàng triệu người. Có lẽ bởi thế mà người nghi ngờ thì vẫn cứ đứng ngoài cuộc mặc cho doanh nghiệp tô vẽ, khoe mẽ thị phần lớn mạnh, doanh thu nghìn tỷ.

Ở góc độ tích cực, mua bảo hiểm hướng đến một nguồn tài chính an toàn cho người thụ hưởng, trước tình trạng bệnh tật, môi trường sống bị đe dọa bởi ô nhiễm từ nguồn nước đến không khí thì bảo hiểm chính là 1 lựa chọn thức thời.

Tuy nhiên, với "tấm gương" những vụ việc người dân nộp tiền, ký hợp đồng bảo hiểm giấy trắng mực đen rõ ràng nhưng rồi lại phải đằng đẵng chạy theo doanh nghiệp rồi cần đến cả tòa án, kiện tụng để đòi quyền lợi thì đúng là đáng ngại.

Ở góc độ tích cực, mua bảo hiểm hướng đến một nguồn tài chính an toàn cho người thụ hưởng, trước tình trạng bệnh tật, môi trường sống bị đe dọa bởi ô nhiễm.

Ở góc độ tích cực, mua bảo hiểm hướng đến một nguồn tài chính an toàn cho người thụ hưởng, giảm gánh nặng tài chính trong tương lai.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra với người mua khi quyết định chọn lựa công ty bảo hiểm rồi loại hợp đồng bảo hiểm. Theo thói quen "trăm nghe không bằng một thấy", nhiều người đã mua bảo hiểm thông qua việc một ai đó quen biết cũng mua bảo hiểm của hãng ấy hay nghe nói đó là gói bảo hiểm phù hợp...

Tiêu chí uy tín thông qua người quen được đặt lên hàng đầu thay vì thông tin quảng cáo hay những cuộc gọi làm phiền buổi sớm mai.

Kế đến mới là những cân đo đong đếm về lãi suất, về khoản "lợi ích" mà khách hàng có được khi mua bảo hiểm, sự thuận tiện trong hoạt động thanh toán, nộp phí.

Trả lời cho câu hỏi: Chọn tiêu chí nào khi chọn công ty bảo hiểm, chị Minh Phượng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị mua bảo hiểm qua một người quen, đặt niềm tin dựa trên uy tín của người đó. 

Tương tự như chị Phượng, chị Lan Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ rằng chị đã chọn mua bảo hiểm của một người họ hàng vì chính gia đình người đó cũng đã mua vài gói bảo hiểm cho các thành viên trong gia đình nên chị có cảm giác yên tâm hơn đối với gói dịch vụ cũng như công ty bảo hiểm này.

Không dám chắc con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng hẳn đã có không ít các hợp đồng bảo hiểm đến từ những nhân viên "người quen", còn đối với các chuyên viên tư vấn hay các telesales cho hãng bảo hiểm, may chăng chưa bị dập máy ngay khi nghe lời giới thiệu đã là một điều may mắn.

Nhưng cần lật lại vấn đề khi mà các doanh nghiệp tìm mọi cách để cạnh tranh, gia tăng số lượng nhân viên, chuyên viên tư vấn trong khi niềm tin của người dân với bảo hiểm vẫn ở trạng thái đầy ngờ vực.

Điều đáng nói, các con số trên báo cáo tài chính không thể hiện được các khoản đền bù, bồi thường mà doanh nghiệp đã thực hiện trong năm, từ đó, người mua khó có được sự so sánh tốt nhất. 

Trong khi đó, sức khỏe của một số doanh nghiệp dường như đang có vấn đề khi mà liên tục thua lỗ, hoặc năm trước lãi lớn, năm sau lãi chỉ còn 1 nửa và năm tiếp theo còn có nguy cơ tăng trưởng âm.

Rất nhiều câu chuyện của doanh nghiệp nước ngoài khi tìm mọi cách để tăng chi phí, tăng giá vốn để... thua lỗ nhằm mục đích không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Lạ lùng khi đang có sự giống nhau giữa các doanh nghiệp này với một số công ty bảo hiểm thua lỗ trong mấy năm trở lại đây, đó là vốn điều lệ liên tục tăng, doanh thu tăng trưởng đều, chỉ ngặt nỗi là các chi phí lại đang đội lên quá cao tới mức mất kiểm soát khiến doanh nghiệp tăng trưởng âm.

Có thể, các doanh nghiệp bảo hiểm với đặc thù kinh doanh khác nên khác biệt với câu chuyện của những đơn vị trên, còn nếu thật là vậy, có lẽ niềm tin của người dân vào doanh nghiệp cũng sẽ tăng trưởng âm như con số lợi nhuận.

Người mua cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Trước những câu chuyện cảnh tỉnh về sai lầm của người mua khi ký kết hợp đồng bảo hiểm cũng như việc nhiều nhân viên môi giới lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mất cảnh giác của khách hàng để trục lợi bảo hiểm, PV đã có cuộc trò chuyện với LS Nguyễn Đăng Tư - Văn phòng Luật Trilaw để làm rõ hơn vấn đề này.

PV: Luật sư đánh giá thế nào về các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay khi phần lớn đều rất dài, nhiều điều khoản mà ít khi nào người mua có thể ngồi đọc và hiểu hết tất cả.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Văn phòng Luật Trilaw: Các hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, nhiều mục lớn, nhỏ, mục con. Các công ty bảo hiểm soạn thảo hợp đồng rất chuyên nghiệp, và với kinh nghiệm nhiều năm, họ đã dự trù hầu hết các tình huống có thể xảy ra trong tương lai. Do đó các điều khoản nhạy cảm, không có lợi cho cho công ty sẽ không được đưa vào trong hợp đồng hoặc nếu có thì cũng rất lắt léo về câu chữ.

Bên cạnh đó, thường trong “Điều khoản loại trừ” các công ty bảo hiểm cũng đã loại trừ phần lớn trách nhiệm của mình. Đây là một điều mà người mua cần lưu ý bởi hầu hết khách hàng khi mua bảo hiểm chỉ quan tâm đến quyền lợi mà mình được hưởng, họ sẽ bỏ qua hay chỉ nhìn lướt phần về nghĩa vụ, các điều khoản loại trừ trách nhiệm.

Trong trường hợp người mua quan tâm thì không phải khách hàng nào cũng có thể đọc và hiểu hết từng điều khoản vì các điều khoản thường rất dài và là những từ ngữ mang tính chất chuyên môn, khó hiểu.

Do đó mà khi có tranh chấp xảy ra, công ty bảo hiểm thường vận dụng triệt để từng câu chữ trong hợp đồng để bắt bẻ và khách hàng luôn ở thế yếu là vì vậy.

PV: Vậy làm thế nào để người mua không bị vướng vào “lưới nhện” của môi giới bảo hiểm với rất nhiều những quyền lợi không rõ ràng trong hợp đồng?

Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Để bán được sản phẩm, nhân viên tư vấn thường viện dẫn những điều khoản có lợi nhất để nói cho khách hàng nghe và bỏ qua những điều khoản bất lợi để khách tự tìm hiểu.

Do đó, người mua cần phải tỉnh táo trước lời mời chào và hứa hẹn của nhân viên tư vấn bảo hiểm.

Trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm người mua cần phải thận trọng, yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ ràng tất cả các điều khoản trong hợp đồng, nhất là các quy định về nghĩa vụ của người mua.

Hợp đồng bảo hiểm thường là hợp đồng mẫu, tuy nhiên, đây là một giao dịch dân sự dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, nên nếu thấy có điều khoản nào bất lợi hoặc không rõ ràng, người mua có quyền thỏa thuận lại với công ty bảo hiểm để sửa đổi, bổ sung...

Ngoài ra, người mua cũng nên tìm hiểu rõ về các tình huống rủi ro có thể phát sinh sau này để yêu cầu đưa vào hợp đồng. Đối với các hợp đồng bảo hiểm có giá trị cao, khách hàng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia bảo hiểm hoặc các luật sư trước khi ký kết hợp đồng.

Theo Vân Hà/Đô Thị Mới