Theo báo cáo, đến nay, có 46/63 tỉnh, TP đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ trên cả nước là 17.168 người; 97 DN tổ chức sản xuất hữu cơ; 60 DN tham gia xuất khẩu sản phẩm hữu cơ với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết, đến hết năm 2019, diện tích canh tác hữu cơ ở nước ta đã đạt khoảng 237 ngàn ha, tăng mạnh so với 53 ngàn ha năm 2016.
Sản phẩm NNHC Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Theo các chuyên gia, NNHC đang phát triển khá nhanh, nhất là từ sau khi có Nghị định 109/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất hữu cơ đang ngày càng có được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền các địa phương, các DN, nông dân... Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng, bởi đây là bước tiến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương về NNHC.
Để tiếp tục phát triển và phát triển NNHC bền vững, cần tăng cường phổ biến, đào tạo về tiêu chuẩn hữu cơ cho nông dân, DN; các cơ quan có trách nhiệm và chính quyền các địa phương cần tăng cường hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá, phát triển thị trường nội địa và quốc tế.
Bên cạnh đó phải đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng các đơn vị phân tích, đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và thiết lập hệ thống đánh giá, chứng nhận cho các tổ chức công nhận, tổ chức chứng nhận trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc quản lý sản xuất hữu cơ rất quan trọng để đảm bảo các sản phẩm được gắn mác hữu cơ đều thực sự là sản phẩm của NNHC. Bởi thực tế hiện nay có rất nhiều sản phẩm quảng bá là sản phẩm hữu cơ, nhưng đó có đúng là sản phẩm hữu cơ hay không? Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm NNHC, từ cấp Bộ đến các địa phương.
Bên cạnh đó là đào tạo tập huấn cho DN, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về NNHC.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, canh tác hữu cơ chỉ là một trong những phương thức canh tác để tăng năng suất. Dù hữu cơ mang lại nhiều lợi ích đến đâu cũng không thể thay thế các phương án thâm canh để bảo đảm an ninh lương thực. Vì vậy, cần thận trọng trong phát triển NNHC ở các địa phương.
Các địa phương cần xác định rõ vùng nào có thể sản xuất hữu cơ, vùng nào vẫn duy trì phương thức sản xuất phi hữu cơ. Về sản phẩm, cần phải xác định những sản phẩm nào sẽ là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nào đi theo hướng theo hữu cơ, sản phẩm nào vẫn duy trình canh tác truyền thống.
Ông Trần Thanh Nam, nhấn mạnh, để Việt Nam có nền NNHC phát triển ổn định, bền vững và trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta cần có kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện đề án “Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030”, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, các DN và người dân tham gia triển khai hoạt động, phối hợp, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động cụ thể.