1. Theo UBND quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, năm 2024, quận sẽ triển khai dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân để xóa bỏ tình trạng ùn tắc ở khu vực này. Đây là thông tin tốt cho những ai thường phải di chuyển qua tuyến đường này. Bởi từ lâu, nơi đây đã trở thành "điểm đen" về giao thông. Đặc biệt vào giờ cao điểm thì đoạn đường này thường tắc nghẽn nghiêm trọng. Thậm chí nó đã trở thành "điển hình" về tắc đường ở Hà Nội.
Đoạn đường này dài có 800m nối đường Nguyễn Trãi với đường Lê Văn Lương, đoạn hẹp nhất chỉ rộng có 7m, nhưng phải gánh tới hơn chục tòa chung cư cao tầng. Bởi vậy, vào giờ cao điểm, xe của cư dân các khu chung cư đổ ra, xe từ đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương tràn vào, khiến đoạn đường này bị lèn cứng.
Thực ra, tuyến đường này đã được mở rộng đoạn đầu đường nối với Lê Văn Lương, nhưng từ số nhà 162 kéo ra Nguyễn Trãi, nhất là đoạn từ nhà 162 đến đường Nguyễn Huy Tưởng bị thắt lại, tạo thành "nút cổ chai" khiến tình trạng ùn tắc trở nên trầm trọng.
Không dừng lại ở tuyến đường này, tình trạng tắc đường ở đây còn "lây lan" rộng ra cả khu vực. Số là tuyến đường này giao cắt với đường Lê Văn Lương qua ngã tư đèn xanh đèn đỏ nối với đường Hoàng Minh Giám. Vì vậy, khi chiều đường từ Hoàng Minh Giám bật xanh, các xe cứ thế di chuyển qua ngã tư, nhưng do tắc ở đường Nguyễn Tuân nên xe ùn lại trên đường Lê Văn Lương. Thành thử khi chiều đường Lê Văn Lương bật xanh, thì do xe từ Hoàng Minh Giám ra ùn lại giữa ngã tư cản luồng xe di chuyển theo tuyến Lê Văn Lương, khiến tuyến này cũng tắc theo, nhiều hôm kéo dài sang tận đường Tố Hữu.
Do đó có thể nói, tình trạng ùn tắc ở đường Nguyễn Tuân là điển hình cho kiểu "nút cổ chai" hiện nay. Chỉ cần một đoạn, dù là ngắn, bị nghẽn là khiến cho cả con đường, thậm chí cả khu vực tắc theo.
Từ đó có thể rút ra hệ quả: Sự không đồng bộ trong phát triển giao thông không những gây nên vấn nạn tắc đường mà còn gây lãng phí nghiêm trọng. Bởi những tuyến lân cận dù đã được mở rộng cũng không thể phát huy được hiệu quả, do đó dẫn đến lãng phí vốn đầu tư.
2. Câu chuyện nút thắt cổ chai trên khiến tôi liên tưởng đến chiếc thùng gỗ.
Những người sống ở nông thôn Bắc Bộ cuối thế kỷ trước thường rất quen thuộc với đôi thùng tôn dùng để gánh nước. Nhưng trước thời đại đồ sắt, thùng gỗ cũng được sử dụng phổ biến để chứa và vận chuyển nước.
Việc làm thùng gỗ gần giống với làm trống mà hiện nay các làng nghề, như làng Đọi Tam ở Hà Nam chẳng hạn, vẫn làm. Giống như tang trống, thân thùng được ghép bằng nhiều thanh gỗ dựng đứng có cùng độ dài, tạo thành vòng tròn khép kín, đáy thùng cũng là miếng gỗ hình tròn. Thể tích, hay sức chứa của thùng, phụ thuộc vào đường kính và chiều cao. Như vậy, muốn nâng sức chứa của thùng, có thể tăng thêm số thanh gỗ hoặc nâng chiều cao của thùng, tức là tăng chiều dài các thanh gỗ.
Bây giờ hãy hình dung, một người có chiếc thùng gỗ cao 60cm, người này muốn chứa được nhiều nước hơn nên làm chiếc thùng mới cao 80cm. Tuy nhiên, khi ghép thì có một thanh gỗ chỉ dài có 60cm. Bây giờ hình dung tiếp, khi đổ nước vào thùng thì sẽ ra sao? Tất nhiên, khi đến mức 60cm, nếu đổ tiếp nước vào thì nước sẽ không dâng được lên mức 80cm mà tràn ra ngoài theo chỗ thanh gỗ 60cm. Đến đây thì mọi cố gắng tăng dung tích chiếc thùng không đạt được, và các thanh gỗ dài 80cm đều trở nên vô nghĩa vì phụ thuộc vào thanh gỗ 60cm.
Từ chuyện chiếc thùng gỗ trên, nhà quản lý học người Mỹ là Peter đã đúc kết thành lý luận gọi là "Nguyên lý thùng gỗ", hay còn được gọi là "Hiệu ứng thanh gỗ ngắn". Theo đó, lượng nước trong một chiếc thùng ghép bằng nhiều thanh gỗ là do độ dài của những thanh gỗ quyết định. Nhưng nếu có một thanh gỗ nào đó ngắn hơn, thì lượng nước cả thùng gỗ sẽ bị hạn chế bởi thanh gỗ này. Và thanh gỗ ngắn ấy trở thành "khuyết điểm" của chiếc thùng. Nếu muốn lượng nước trong thùng tăng lên thì buộc phải thay thanh gỗ ngắn bằng thanh dài hơn. Hiệu quả tối ưu là các thanh gỗ phải dài bằng nhau.
Nói một cách khái quát, chiếc thùng gỗ có thể chứa được bao nhiêu nước không quyết định bởi thanh gỗ dài nhất mà quyết định bởi thanh gỗ ngắn nhất.
3. Người ta thường lấy câu chuyện chiếc thùng gỗ để liên hệ đến sự hoàn thiện bản thân mỗi người. Và "thanh gỗ ngắn" thường được ví với "gót chân Achilles" trong thần thoại Hy Lạp để chỉ về điểm yếu của mỗi con người. Từ đó, khuyên người ta cần biết nhìn ra điểm yếu của bản thân để khắc phục, tự hoàn thiện, như thế mới phát huy được những tố chất tốt nhất của mình.
Từ câu chuyện trên, tôi muốn liên tưởng đến sự đồng bộ trong quản lý.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật xã hội chủ nghĩa. Pháp luật được coi là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Nhà nước và xã hội. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: "Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật".
Do đó, một điều dễ thấy, muốn quản lý hiệu quả và xã hội phát triển thì pháp luật phải đồng bộ. Bởi các luật đều có mối liên quan, giao thoa với nhau trong hệ thống pháp luật chung. Nếu không có sự đồng bộ thì dù cho phần lớn hệ thống tân tiến, nhưng chỉ cần một luật không theo kịp sự tiến bộ của các luật khác, thì nó sẽ kìm hãm cả hệ thống. Giống như "nút thắt cổ chai" trong hệ thống đường giao thông hay "thanh gỗ ngắn" trong chiếc thùng gỗ vậy.
4. Hệ thống pháp luật nước ta được cho là khá phức tạp. Đặc biệt, còn có sự chồng chéo, bất cập, thậm chí là có những điểm không thống nhất giữa các luật. Đây được cho là "điểm nghẽn", cản trở việc thực thi pháp luật hiệu quả. Điều này được thể hiện khá rõ trong lĩnh vực bất động sản, bởi những điểm nghẽn tạo những "vướng mắc pháp lý" thường được nhắc đến làm cho nhiều dự án bị đình trệ, khiến nguồn cung khan hiếm làm tăng giá trong những phân khúc có nhu cầu cao.
Khi va đập với thực tiễn, những sự chồng chéo, bất cập và không thống nhất nói trên không những gây khó cho doanh nghiệp, mà còn làm cho nhà quản lý lúng túng. Thậm chí gây nên tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm, vì có nội dung dù đúng với luật này nhưng lại trái với luật khác.
Khắc phục bất cập trên, Chính phủ có khi phải "chữa cháy" bằng việc ban hành các nghị định để điều chỉnh sự bất cập, chồng chéo giữa các luật. Tuy nhiên, một số quy định trong các nghị định này cũng chỉ có thể quy định chung chung theo kiểu "theo quy định của pháp luật" mà không thể "sửa luật", nên lãnh đạo các địa phương vẫn rất e dè khi thực hiện, vì dù nghị định có "mở đường" nhưng nếu chiếu theo bộ luật nào đó thì trường hợp cụ thể của địa phương vẫn không được luật đó cho phép. Một dẫn chứng cụ thể của vấn đề này là việc cấp sổ đỏ cho bất động sản du lịch và việc phê duyệt dự án vẫn bị nghẽn…
Quốc hội và Chính phủ cũng đã rất tích cực điều chỉnh, bổ sung các bộ luật để mong theo kịp sự phát triển của thời đại và kiến tạo xã hội phát triển. Tuy nhiên, không thể "sửa đổi bổ sung" liên tục, lại càng không thể sửa đổi nhiều luật cùng lúc. Do đó, cho dù luật được ban hành mới, hay sửa đổi bổ sung mới, có cập nhật và tiến bộ đến đâu, thì vẫn có nội dung giao thoa với những luật cũ và bị những luật ấy kìm hãm theo "nguyên lý thùng gỗ" được quyết định bởi "thanh gỗ ngắn".
Vậy là lại lâm vào bế tắc.
5. Tuy nhiên, sự bế tắc này không phải là không có cách tháo gỡ. Đó là trước mắt chỉ cần thực hiện theo nguyên tắc "áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau" là đã có thể tháo gỡ khá nhiều vấn đề.
Thực ra, về nội dung này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tại Điều 156 đã quy định rõ:
"2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau".
Mặc dù đã có quy định như thế, nhưng không hiểu sao khi áp dụng, không ít cán bộ vẫn e dè. Có thể sự e dè này là do tâm lý, nhưng cũng có thể là do thực tiễn, bởi đúng với luật này nhưng sai với luật khác vẫn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý thì sao?
Mặt khác, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề lại ban hành cùng thời điểm; hoặc trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý ngang hàng nhau nhưng do hai đơn vị ban hành có sự khác nhau, thì ưu tiên áp dụng văn bản nào, cũng chưa được quy định. Do đó, ngay cả khi doanh nghiệp hay người dân chủ động chọn điều khoản bất lợi cho mình, thì cũng vẫn có thể bị xử lý vì "vi phạm pháp luật".
Có chuyên gia cho rằng, bây giờ chỉ cần quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý ngang hàng nhau hoặc được ban hành cùng một thời điểm, nhưng có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì người dân và doanh nghiệp được "tự chọn điều khoản áp dụng", là lập tức tháo gỡ được ách tắc trên. Bởi suy cho cùng, các văn bản quy phạm pháp luật khi soạn thảo và nhất là khi ban hành, đều đã được bàn thảo, cân nhắc kỹ lưỡng cả rồi, nên dù người dân hay doanh nghiệp có chọn điều khoản nào thì Nhà nước cũng không sợ "hớ" mà chỉ có lợi. Vì điều này không những giải tỏa băn khoăn của cán bộ lãnh đạo các cấp, mà còn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống và sản xuất kinh doanh.
Mà làm lợi cho dân và doanh nghiệp thì cũng chính là làm lợi cho xã hội, cho đất nước. Dân giàu thì nước mạnh!
Nguồn: https://reatimes.vn/nut-that-co-chai-nguyen-ly-thung-go-va-diem-nghen-phap-ly-202240102155843272.htm