Từ trước đến nay, rất nhiều người nghĩ rằng sân golf là nơi thân thiện với môi trường bởi cảnh quan cây xanh mặt nước gần gũi thiên nhiên. Tuy vậy, sân golf là nơi hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón được sử dụng nhiều vô kể.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tờ Naples Daily News (Mỹ), cơ quan bảo vệ môi trường tiến hành nghiên cứu sân golf Nam Florida, các loại hóa chất như thuốc trừ sâu gốc đơn natri, mêtan và asen (gọi tắt là hóa chất MSMA) với mục đích diệt cỏ dại là nguyên nhân sâu xa gây nên hàm lượng asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép lên môi trường sống xung quanh.
Từ vụ việc này, người dân tại khu vực đó đã đồng loạt phản đối và tẩy chay các sân golf trong khu vực. Nhà chức trách và các quan chức môi trường tại Florida đã phải ban hành điều luật cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại này.
Một nghiên cứu khác tại vùng Miami - Dade (Mỹ) cũng cho thấy, có tới 37% các mẫu nước trong giếng khoan xung quanh khu vực có sân golf có chứa hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức 50 phần tỷ và 76% các mẫu nước giếng xa hơn vượt hàm lượng cho phép đến 10 phần tỷ. Tác động của hóa chất dùng trong sân golf kinh khủng vượt xa sức tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, các ông chủ golf vẫn cố tình lờ đi các quy định vì lợi nhuận từ mô hình giải trí này quá lớn.
Tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, rất nhiều sân golf vi phạm quy định về tác động đến môi trường như sân golf Long Biên chưa đầu tư công trình xử lý nước mặt để kiểm soát chất lượng nước tưới cỏ và phân bón đảm bảo điều kiện xả ra môi trường, sân golf sông Giá nằm ngay cạnh ngã ba sông, sân golf tại Quảng Ninh, sân golf Đại Lải xả thải ra môi trường…
Ồn ào lớn nhất về tác động lớn đến môi trường trong năm 2019, Sở Tài nguyên - Môi trường Vĩnh Phúc có kết luận thanh tra đối với sân golf Đại Lải (do Công ty TNHH Đại Lải làm chủ đầu tư) về việc trái quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với dự án xây dựng sân golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch ở Khu B Đại Lải. Cụ thể, đơn vị này đã không thực hiện giám sát môi trường xung quanh theo quy định; không thực hiện trám lấp 1 giếng sau khi đã sử dụng xong; xả nước thải không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; không thực hiện biện pháp chống thấm hồ chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại...
Kết luận của thanh tra cũng cho biết, trong quá trình vận hành, golf Đại Lải xả nước thải tại 2 cửa xả của khu nhà điều hành sân golf có thông số BOD5, Amoni vượt dưới 1,1 so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.
Căn cứ vào kết luận trên, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công ty TNHH Đại Lải chấp hành nghiêm Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và khẩn trương khắc phục các tồn tại vi phạm nêu trên xong trước ngày 31/8/2019.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã gần 1 năm bị thanh tra kết luận nhưng Sân golf Đại Lải đã giải quyết vấn đề này triệt để hay chưa vẫn là một dấu hỏi lớn, bởi vì hầu như hệ thống xả thải của sân golf này vẫn chưa được cải thiện, toàn bộ nước từ khu vực sân golf đều theo đường ống chảy thẳng ra môi trường xung quanh.
Với hàng loạt vi phạm của Sân golf Đại Lải về môi trường, GS. Ts. Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường đã đưa ra nhiều phân tích. Ông cho rằng, nồng độ BOD5 và Amoni vượt ngưỡng quy định cho phép sẽ ảnh hưởng không chỉ trước mặt mà còn lâu dài với cuộc sống của người dân.
“BOD5 là loại chất hữu cơ dễ phân hủy, nó tồn tại trong các loại nước thải khác nhau, đặc biệt là nước thải sinh hoạt. Còn Amoni là một loại chất có nguồn gốc là hữu cơ là nitơ chuyển hóa thành Amoni. Những chất này nhìn chung là chất hữu cơ dễ bay hơi và tạo cho nước có mùi, tạo ra rong tảo các chất bẩn trong nước. Nếu chất này vượt ngưỡng quy định thì sẽ thứ nhất về phần nhìn sẽ gây ra sự phản cảm, tiếp theo là bốc mùi hôi thối. Đặc biệt là Amoni chuyển hóa thành các chất như nitorat, nitorit, trong đó, nitrat là loại chất kịch độc đối với sức khỏe con người. Những chất này nếu thải ra môi trường phải tuân thủ theo đúng vị trí, tọa độ và phải có hệ thống lọc thải, xử lý theo quy định của Nhà nước”.
Do BOD5 và Amoni độc hại như vậy cho nên mới có yêu cầu các sân golf nói chung và các doanh nghiệp sản xuất nói riêng phải xử lý làm sạch nước trong nước thải, trong nước thiên nhiên… để đảm bảo nguồn nước cấp sinh hoạt và ăn uống của con người được vệ sinh sạch sẽ và vô trùng.
Không chỉ là vấn đề về xả thải trực tiếp ra môi trường mà sân golf Đại Lải còn tác động nặng nề đến môi trường sống. Cuối năm 2019, một số tờ báo cũng đã phản ánh những phàn nàn của người dân trong vùng khi sân golf này đi vào hoạt động, họ đã không thể chịu được cái mùi thuốc sâu, mùi hóa chất. Nhiều người còn chắc chắn rằng các hộ dân trong khu vực chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lâu dài bởi các loại thuốc phun thảm cỏ mặt sân, rồi mùi nước thải bốc lên nồng nặc.
Theo GS. Nhuệ, đối với các sân golf tại Việt Nam, chuyện ảnh hưởng môi trường hoàn toàn có cơ sở bởi vì khi triển khai các dự án thì chủ đầu tư của sân golf sẽ phải dùng hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để chăm sóc cỏ và giữ cảnh quan cho sân golf. Nếu không có biện pháp tốt, lượng hóa chất này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống của người dân trong khu vực.
“Các sân golf mọc lên có nhiều vấn đề, ngoài các chất thải đổ ra môi trường thì trong quá trình xây dựng và vận hành, người ta phải sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ bảo vệ thực vật, bảo vệ cho cây cỏ như MSMA để đảm bảo cảnh quan. Và những hóa chất đó hiển nhiên là tạo ra những chất độc. MSMA được coi là hóa chất phụ gia sử dụng trên bề mặt các sân golf, nghĩa địa, sân chơi thể thao trường học, công viên để duy trì màu xanh của bề mặt cỏ. Nếu lạm dụng thái quá sẽ gây tổn hại và hiệu ứng ngược đến hệ thần kinh và kích ứng mạnh đối với con người sống trong môi trường này.
Ngoài ra, trong sân golf còn có những dịch vụ khác đi kèm, đó cũng là một nguồn nữa có thể ảnh hưởng đến môi trường. Cho nên có quy định phải đảm bảo sạch sẽ, vô trùng đối với người sử dụng sân golf”.
Nói như vậy không có nghĩa là cấm hoàn toàn các hoạt động của sân golf. Các quốc gia trên thế giới có hàng ngàn sân golf vẫn đang hoạt động. Chỉ có điều, hãy làm như nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và sức khỏe con người đã lên tiếng, cần phải tạo ra các sân golf an toàn. Và lý tưởng nhất là phải tìm ra loại cỏ phù hợp không cần sử dụng hóa chất không những gây tác động xấu đến sức khỏe con người mà còn bảo vệ được sự cân bằng của môi trường sinh thái. Gs. Nhuệ cho rằng, các sân golf hoàn toàn có thể xây dựng nhưng phải đảm bảo được yêu cầu về môi trường, không chỉ là vấn đề về xả thải mà còn là vấn đề sử dụng các loại thuốc, phân bón tăng trưởng cây cối trong đó.
Những ngày gần đây, sân golf Đại Lải lại gây thêm ồn ào khi ngang nhiên mở cửa đón khách dù cả nước đang thực hiện nghiêm chỉ thị 15 cách ly xã hội phòng chống dịch bệnh lây lan. Tuy rằng, ngay sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử phạt đơn vị này nhưng với nhiều người thì sự việc lần này của sân golf Đại Lải lại càng tạo thêm ấn tượng xấu về việc coi thường các quy định của nhà nước.