Hiện tại đang là giai đoạn 2 cách ly xã hội nhưng nhiều người dân và đơn vị kinh doanh vẫn không ý thức được hoặc cố tình ra đường, mở cửa các cơ sở kinh doanh. Thực tế này cho thấy, để duy trì nghiêm quy định về cách ly xã hội, việc xử lý vi phạm vẫn đòi hỏi phải sát sao và quyết liệt hơn nữa.

Trường hợp ngày 16/4, sân golf Đại Lải (thuộc Công ty cổ phần sân Gôn Đại Lải làm chủ đầu tư) đã mở cửa đón khách khiến dư luận xôn xao. Thậm chí, một số bức ảnh lưu truyền trên các phương tiện truyền thông cho thấy, khách bên ngoài sân golf tụ tập rất đông, quang cảnh trong sảnh chờ còn đông hơn nữa khi chật kín xe ô tô, xe điện thì nối hàng dài đến tắc đường tại khu vực phát bóng.

Xe điện tắc đường tại sân golf Đại Lải. Ảnh: Nhân Dân.

Hình ảnh này vô cùng đối lập với tình hình xã hội đang trong thời kỳ cách ly cao điểm vì dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch TP Vĩnh Yên - ông Lê Anh Tân thì sân golf Đại Lải cam kết, hôm 16/4 có số đông người đến chơi, tập trung tại sảnh nhưng sau khi được đơn vị này giải thích mọi người đã ra về chứ không hề chơi golf như một số báo phản ánh. 

Sau khi nhận được phản ánh, sáng ngày 17/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập tổ công tác kiểm tra và lập biên bản đối với sân Golf Đại Lải, ký cam kết không tái phạm.

Đối với vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng của Văn phòng Luật Kết nối cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay, nguy cơ lây bệnh từ cộng đồng là rất cao, bởi vậy cần phải thực hiện quyết liệt các biện pháp đặc thù, đặc biệt để khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Cảnh tượng đông đúc ở sân golf. Ảnh: Sức Khỏe Cộng Đồng

Luật sư Hùng nhận định: “Hành vi mở cửa trở lại đón khách hoàn toàn sai. Khi có Quyết định hành chính lệnh cấm kinh doanh, cấm tập trung đông người để chống Covid-19, những cá nhân cố tình không chấp hành, người vi phạm có thể bị phạt đến 5 - 10 triệu đồng và đối với doanh nghiệp mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế".

Luật sư Hùng cho biết thêm: “Mức độ xử phạt này cũng không dựa vào mức độ đón khách bao nhiêu người mà chỉ cần có hoạt động kinh doanh mở đón khách thì đã là vi phạm. Nếu có đủ chứng cứ đơn vị có hoạt động kinh doanh thì đều phải xử phạt”.

Bởi vậy, khi các địa phương ban hành lệnh cấm tụ tập, tập trung đông người, các đơn vị kinh doanh và người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp cố tình vi phạm thì sẽ bị chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị 15 quy định giãn cách xã hội đợt hai. Cả nước chia thành 3 nhóm phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Nhóm 1 “nguy cơ cao” gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh.

Nhóm thứ 2 “có nguy cơ” gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang.

Nhóm “nguy cơ thấp” gồm 35 tỉnh còn lại được yêu cầu tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Tất cả ba nhóm này đều phải tuân thủ theo yêu cầu của chỉ thị: Không tập trung đông người, giữ khoảng cách 2m, dừng tất cả các hoạt động thể thao, giải trí tại nơi công cộng, tạm đình chỉ tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ trừ các dịch vụ thiết yếu…


Theo Mi Trần/Đô Thị Mới