Cơn "sóng thần" của Asanzo
Gần đến hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn Asanzo, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục ráo riết điều tra những cáo buộc về xuất xứ, dán nhãn sản phẩm và nhập khẩu sản phẩm của tập đoàn Asanzo do báo chí nêu ra.
Sau hơn một tháng sóng gió, ngày qua, ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam lên tiếng, ví cơn khủng hoảng thương hiệu này là sóng thần đáng nhớ trong cuộc đời của mình.
"Sau bao ngày vất vả tóc đã bạc đi một phần, nhưng mà tôi rất vui vì được trải nghiệm cơn sóng thần này quả thật đáng nhớ trong cuộc đời làm doanh nhân", ông Tam nói.
Ông chủ Asanzo chọn cách lên tiếng trong tâm bão cáo buộc về xuất xứ sản phẩm.
Cơn sóng thần mà ông chủ Asanzo nhắc đến không chỉ đơn giản là cuộc khủng hoảng truyền thông, mà là câu chuyện về thương hiệu và sự sống còn của doanh nghiệp.
Ngày 21/6, báo chí đăng tải thông tin Asanzo nhập nhèm xuất xứ sản phẩm, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Ngay sau đó, ông Phạm Văn Tam đã lên tiếng, thừa nhận Asanzo sử dụng linh kiện Trung Quốc.
"70% linh kiện tivi nhập từ Trung Quốc, 30% là từ Việt Nam và các nước khác", câu phát ngôn này của ông Tam đã thổi bùng lên nhiều luồng tranh cãi trái chiều, cũng như khiến cho cơn khủng hoảng của Asanzo bị đẩy lên đỉnh điểm.
Trợ lý của ông Tam cho biết, sau bài báo đầu tiên, với tốc độ lan truyền khủng khiếp của internet, mạng xã hội, Asanzo hứng chịu làn sóng phẫn nộ, tẩy chay như "lũ tràn bờ".
"Khi câu chuyện còn chưa rõ như thế nào, thì trên mạng xã hội, những lời chửi bới doanh nghiệp ngập tràn khắp nơi", người này cho hay.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc dùng linh kiện Trung Quốc nhưng quảng cáo công nghệ Nhật Bản, dán nhãn hàng Việt Nam là không đúng.
Tuy nhiên, cũng nhiều quan điểm khẳng định, việc nhập linh kiện lắp ráp từ quốc gia khác không phải là điều lạ, nhất là trong thời kỳ cung ứng toàn cầu, sản xuất OEM.
Liên tiếp những đòn giáng vào doanh nghiệp chỉ trong một thời gian quá ngắn, khi các đối tác tháo dỡ hàng hóa của doanh nghiệp khỏi kệ, người tiêu dùng hoang mang trước tốc độ lan truyền chóng mặt của câu chuyện nhãn mác.
Nhìn nhận ở góc độ làm truyền thông, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc Asanzo tuyên bố về việc nhập khẩu linh kiện là một cách khoanh vùng khủng hoảng, khoanh vùng "đám cháy" khá hợp lý, tránh leo thang thêm vấn đề liên quan khác.
Sau khi lên tiếng công khai về tỉ lệ sử dụng linh kiện trong sản phẩm, Asanzo cũng tập trung giải thích về vấn đề còn lại như việc có hay không các công ty "ma" nhập nguyên chiếc sản phẩm Trung Quốc về Việt Nam, dán nhãn Asanzo.
Ông chủ Asanzo cho rằng, việc mất đi thương hiệu gây dựng nhiều năm không đáng sợ bằng sự quay lưng, oán thán và cảm giác có lỗi với khách hàng.
Asanzo chuẩn bị kịch bản cho sự sống còn sau khi kết quả điều tra công bố
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp thường chọn cách im lặng hoặc lảng tránh truyền thông khi cơn khủng hoảng chưa được dập tắt, thì ông chủ Asanzo lại làm ngược lại. Theo ông Phạm Văn Tam lý giải đó là vì Asanzo là đứa con tinh thần, khiến ông không thể im lặng.
"Sau những sự việc xảy ra, tôi không lo sợ pháp luật phạt, mà là sợ người tiêu dùng quay lưng lại. Đó là một bản án tử hình.
Cá nhân tôi rất mệt mỏi và chán nản, vợ chồng từng tính toán bỏ hết và giữ lại một ít vốn, tuy nhiên thâm tâm tôi không muốn mãi là một tội đồ trong lòng người tiêu dùng", ông Tam nói.
Theo ông này, kịch bản tiếp theo của Asanzo cũng đã được chuẩn bị khi có kết quả điểu tra vào ngày 30/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể sẽ khôi phục hoặc dễ dàng hơn là từ bỏ và giải thể.
"Nếu Asanzo phá sản sẽ phải mắc nợ người dân... Tivi dùng 2-3 năm kiểu gì cũng phải bảo hành, chưa kể sau bảo hành người dân vẫn mua linh kiện. Ít nhất Asanzo phải duy trì 3 năm nếu có quyết định giải thể", ông chủ Asanzo tâm sự.
Nhìn nhận ở góc độ người tiêu dùng, đối tượng khách hàng mua tivi của Asanzo là những người có thu nhập thấp. Các địa phương bán chạy sản phẩm Asanzo có những nơi khá đặc thù như miền Tây sông nước hay vùng Tây Nguyên.
Với số tiền ít ỏi, điều kiện sống lênh đênh trên ghe thuyền hoặc nương rẫy chưa có điện hoặc điện chạy bằng máy phát thì người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn, đặc biệt là dòng tivi giá rẻ, 2-3 triệu đồng/chiếc như của Asanzo.
Nguồn: http://baodansinh.vn/ong-chu-asanzo-vi-khung-hoang-nhu-song-than-co-kich-ban-cam-cu-trong-3-nam-neu-buoc-phai-giai-the-d102641.html