Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách xã hội đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cũng thuận theo thế mà tăng cao. Càng đáng ngại hơn, khi kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 lần này đã có những hiện tượng lơi là trong phòng tránh dịch bệnh. Các ngả đường tắc cứng, bãi biển đông nghịt người, nhiều quán ăn đông khách, nhưng chưa có biện pháp giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo của cơ quan y tế…

Sự vui mừng, thả lỏng quá mức hiện tại của một bộ phận người dân, rất có thể sẽ khiến thành quả chống dịch suốt những ngày tháng qua trôi sông, đổ bể.

Hãy tưởng tượng, một người trong đám đông bị nhiễm bệnh thì mầm bệnh sẽ lây lan khủng khiếp đến mức nào. Hãy hình dung, nếu một vài nơi dịch có dấu hiệu bùng phát, phải tập trung khoanh vùng, cách ly thì sẽ phải tốn sức người, sức của để dập dịch, phải tạm dừng các hoạt động đi lại, kinh doanh, thì nguy hiểm cho nền kinh tế như thế nào.

Chống dịch như chống giặc, hơn lúc nào hết Hà Nội luôn kiên định trong thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch. Ảnh minh họa

Bài học chẳng nói đâu xa, Singapore là hình mẫu về chống dịch Covid-19. Thế nhưng bước sang những tuần đầu tháng 4, do để lọt các F0 mà giờ đây quốc gia này cùng với Indonesia là hai tâm dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Covid-19 nguy hiểm và khó lường. Nhiều quốc gia cũng chỉ vì ôm suy nghĩ Covid-19 còn ở xa lắm, hoặc chỉ là tin đồn… đã và đang phải trả giá bởi số bệnh nhân mỗi ngày tăng theo cấp số nhân. Tiền của, tính mạng con người đắp đổi lại sự chủ quan to lớn khủng khiếp, tựa như cơn lốc khiến mọi thứ suy kiệt.

Thực tế chống dịch thời gian qua đã chứng minh, một ca lây trong cộng đồng nguy hiểm hơn các ca trong khu cách ly rất nhiều lần. Chống dịch như chống giặc. Sự lơ là, thiếu cảnh giác chính là “khinh địch” và rất có thể sẽ bị phản công, gánh chịu những hệ lụy đau đớn. Thời điểm coi thường nhất, chủ quan nhất, là lúc dịch có nguy cơ bùng phát nhất. Vì vậy phải tỉnh táo, vui thôi, đừng vui quá. Dịch bệnh còn đó.

Không thể phủ nhận, thời gian qua người dân, chính quyền thành phố Hà Nội đã đồng tâm, đồng sức vượt qua khó khăn để chiến đấu với đại dịch Covid-19. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã hy sinh quyền lợi cá nhân để chấp hành chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch. Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội nỗ lực với muôn vàn chính sách, động thái hướng về người nghèo. Đó là điều trân quý, thể hiện sự đoàn kết một lòng của Hà Nội.

Chống dịch trong tình hình mới, không ít lần Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội nới lỏng nhưng không lơi lỏng trong phòng, chống dịch. Để bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, Chỉ thị 07/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đã được ban hành. Động thái này thể hiện quyết tâm, sự kiên định của Thành phố trong thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch.

Loại bỏ tâm lý chủ quan, lơi là trước dịch Covid-19, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, nếu buộc phải ra ngoài thì phải thực hiện đeo khẩu trang. Ảnh minh họa

Phải khẳng định, để “chung sống” an toàn với dịch Covid-19, toàn dân cần tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc “5 an toàn” của Bộ Y tế là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài thì phải thực hiện đeo khẩu trang; duy trì khoảng cách 2m khi giao tiếp... Đó là nguyên tắc chung áp dụng và là giải pháp “trường kỳ kháng chiến” để chúng ta có thể yên tâm sống, làm việc, học tập.

Những ngày qua, người dân Hà Nội đã sát cánh bên nhau đi qua một chặng đường thật không dễ dàng. Để đến được đích phía trước, đòi hỏi mỗi người càng phải đoàn kết, quyết tâm lớn hơn và cũng đòi hỏi các biện pháp phải được thực thi một cách cứng rắn hơn, triệt để hơn để chúng ta có thể thắng “kẻ thù vô hình” Covid-19. Với quyết tâm ấy, tinh thần ấy, sự vững tin ấy chắc chắn sẽ tiếp tục là sức mạnh to lớn nhất đưa chúng ta đi qua những ngày tới với niềm tin chiến thắng.

Theo Lao động Thủ đô