Hệ lụy từ “tín dụng đen”
Nắm bắt được nhu cầu của một số người cần tiền gấp và chịu trả lãi suất cao, hàng loạt các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính liên tục xuất hiện ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố khác trên khắp cả nước. Và hệ lụy từ tín dụng đen xảy ra là điều tất yếu.
Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2010 đến 2014, đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Liên quan tới các vụ vỡ nợ này là 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm, bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ…
Đặc trưng cơ bản của tín dụng đen là giao dịch ngầm, nội bộ, không ồn ào, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng ngân hàng chính thức đương thời. Về nguyên tắc, một mặt, hoạt động tín dụng đen thường diễn ra ngầm, giữa các cá nhân với nhau, không qua tổ chức và thủ tục chính thức nào, nên rất khó để xử lý, trừ phi những đối tượng này có đơn trình báo đến cơ quan chức năng. Mặt khác, những vấn đề giữa người đi vay và cho vay tín dụng đen thuộc tranh chấp dân sự, nên cũng khó để cơ quan thanh tra ngân hàng có thể có chế tài can thiệp. Còn nếu xét đây là quan hệ pháp luật, thì cơ quan quản lý không phải là thanh tra ngân hàng. Không có “trần hay sàn lãi suất” nào cả như các tổ chức tín dụng chính quy, mà hoàn toàn do thỏa thuận: Từ lãi suất chỉ 0,15% một ngày, tương ứng 4,5% một tháng, 54% một năm cho các khoản vay ngắn hạn từ năm ngoái, hiện đã lên tới 10.000đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương với 30%/tháng và 360%/năm.
Tại Hà Nội, mức lãi suất cho vay tín dụng đen phổ biến hiện nay là mức 5.000-6.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương với khoảng trên dưới 200%/năm (khoảng gần 20% một tháng), luôn cao gấp hơn hàng chục lần lãi suất chính thức của bất kỳ ngân hàng hay công ty tài chính nào cùng thời điểm so sánh. Thủ tục hoạt động tín dụng đen cũng rất đơn giản. Các giao dịch được hoàn tất có khi chỉ trong vài phút, thế chấp có khi chỉ cần một chứng minh nhân dân. Một bản photo không cần công chứng ủy quyền về nhà, đất; thậm chí, một lời hứa và thỏa thuận miệng và khả năng tín chấp luôn mở rộng cho những khách quen có giao dịch với nhau đủ uy tín từ hai lần trở lên…
Anh Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên năm 4 học viện Ngân hàng) chia sẻ: Trước đây, anh trai mình ra trường cần xe máy để làm phương tiện đi làm. Do không tìm hiểu kỹ nên đã tìm vay tín dụng đen. Tháng đầu tiên có thể xoay được tiền trả lãi nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, tiền lương cũng không đủ để trả lãi ngày. Cuối cùng đã phải bán đi chính chiếc xe đó để trả nợ. Rút kinh nghiệm từ anh trai nên mình đã tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua chiếc máy tính để phục vụ việc học. Sau khi đọc thông tin trên báo và được nhân viên tư vấn, mình đã chọn vay mua trả góp từ Công ty tài chính Home Credit. Nhờ kế hoạch tài chính hợp lý và những ưu đãi từ chương trình vay mà đến nay sau 6 tháng mình đã trả hết nợ.
Theo các chuyên gia tài chính, để ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen hoành hành, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng chế tài xử lý vi phạm, một giải pháp hữu hiệu là phát triển mạnh tín dụng tiêu dùng một cách lành mạnh.
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng “tín dụng đen” phổ biến vì Việt Nam chỉ có ngân hàng là nơi cấp vốn, bí quá nên người dân mới đi ngầm với nhau. Theo lý giải của ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, “tín dụng đen” có đất để phát triển bởi người dân vẫn khan tiền dù đã có cả hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triển. Thực tế, “tín dụng đen” đa số nhắm vào đối tượng không có điều kiện tiếp cận với các tổ chức tài chính hợp pháp.
Mở rộng cho vay tiêu dùng
Trong giai đoạn phát triển nhất định, tín dụng phi chính thức vẫn có vai trò về vốn, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ. Cách làm khôn khéo là làm sao để thị trường chính thức phát triển, thu hẹp dần khoảng cách và thay thế cho thị trường phi chính thức, chứ không đơn thuần xóa bỏ bằng các biện pháp hành chính. Người vay và đi vay được bảo vệ chặt chẽ bằng pháp luật, trên cơ sở minh bạch và có sự giám sát.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thừa nhận, từ trước đến nay ở Việt Nam, tín dụng phi chính thức là sự bổ khuyết quan trọng cho thị trường chính thức. Nó giải quyết các nhu cầu tài chính trước mắt cho các cá nhân nhỏ lẻ, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, dù đôi khi cũng để lại đâu đó gánh nặng tài chính do “nặng lãi” gây nên. Điều quan trọng là cần phải có khung thể chế, các thiết chế pháp lý để cho nó hoạt động chính thức và được luật pháp thừa nhận.
“Để hạn chế sự bành trướng của “tín dụng đen” nên tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển mạnh và rộng hơn”, nhấn mạnh điều này, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm: khi phát triển các kênh hoàn chỉnh và đồng đều thì “tín dụng đen” sẽ không có đất để hoành hành. Việc các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều công ty tài chính hoạt động, hình thành một sân chơi cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp cho người dân có thêm những sự lựa chọn, có lợi cho người tiêu dùng,
Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe khẳng định, để từng bước đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu. Không chỉ là một trong những phương tiện tốt nhất để giúp cho người dân có thể tích lũy được tài sản, mà các định chế về tài chính tiêu dùng sẽ là một trong những tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế của Việt Nam.
Thực tế, sự phát triển của các công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng như Home Credit đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của một bộ phận người tiêu dùng dưới chuẩn từ trước tới nay không với tới được các gói vay của ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện vay vốn. Yếu tố này được xem là góp phần đem lại những tác động tích cực cho xã hội thông qua việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng và kích cầu tiêu dùng , góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.