Mùng 1 Tết tôi lại xênh xang diện bộ áo dài nam truyền thống, trong tay cầm tập lì xì bước vào nhà vừa ôm vừa nói những lời chúc phúc an lành đến ông nội, bố mẹ, vợ con và người thân.

Xong xuôi tôi lên gian thờ thắp tuần nhang mới, cẩn cáo trước anh linh Tổ tiên và hồn thiêng sông núi nước Việt Nam.

Áo dài nam được mặc trịnh trọng trong các dịp lễ tết... Ảnh: H.C

Việc mặc áo dài nam đi chúc Tết, du xuân đã trở thành lệ với các thành viên của CLB "Áo dài nam truyền thống" (thuộc Nhóm Đình Làng Việt) mấy năm nay. Tôi đến với áo dài nam truyền thống vì tình yêu với cái Đẹp, vì trách nhiệm bảo tồn di sản văn hoá cổ truyền của dân tộc, và trở thành hội viên thứ 3.000 của Nhóm Đình Làng Việt.

Ngày đó "Trưởng thôn" Nguyễn Đức Bình đã động viên tôi may bộ áo dài nam đầu tiên mặc là vào Ngày Tết Việt (25 tháng Chạp năm Đinh Dậu) ở đình làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) trước thềm xuân Mậu Tuất - 2018.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà thơ diện áo dài nam truyền thống trảy hội ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tết năm đó tôi và gia đình nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng động viên nhau mặc bộ áo dài nam truyền thống đi dự "Hội thơ" tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) dịp Tết Nguyên tiêu.

Trong sân Thái học chúng tôi gặp lại nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Hoàng Minh Tường… tay bắt mặt mừng cầu chúc nhau năm mới nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp sáng tác văn chương. Các anh bảo bộ áo dài nam truyền thống chúng tôi đang mặc có "phong cách khác người", đã góp phần làm tươi mới, rạng rỡ thêm vườn hoa đa sắc màu mùa xuân trảy hội thơ.

Nhiều du khách nước ngoài xin chụp ảnh cùng các chàng trai mặc áo dài nam truyền thống. Ảnh: H.C

Khá nhiều đoàn khách tham quan nước ngoài đến xin phép chụp hình, quay video kỷ niệm rồi… cúi mình "cảm ơn". Có những vị khách Tây còn đặt tay lên ngực mình rồi cúi đầu bày tỏ sự kính cẩn (có lẽ do nhà văn Hoàng Quốc Hải đã 80 tuổi).

Nhà văn hỏi: "Cháu biết tại sao người nước ngoài lại đề nghị chúng ta chụp ảnh liên tục như vậy không?". Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã giải thích: "Đó là vì du khách đến Việt Nam mong muốn tìm hiểu những nét riêng biệt, những điểm độc đáo, khám phá những danh lam thắng cảnh mà ở nước họ không có, như bộ áo dài nam truyền thống Việt Nam chúng ta đang mặc.

Tết này có thêm nhiều bạn trẻ diện áo dài nam truyền thống du xuân. Ảnh:H. C

Việt Nam đã từng có áo dài (áo the khăn xếp, quần lĩnh), áo tứ thân, áo bà ba được muôn dân và tầng lớp vua quan gìn giữ trong một thời gian dài. Hiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế, nếu không nhận diện ra mình là ai, Tổ tiên là ai, bản sắc văn hóa Việt là gì, thì sẽ "hòa tan" hết.

Còn nhớ năm 2019 rộ lên chuyện thương hiệu thời trang Ne-Tiger của Trung Quốc giới thiệu bộ sưu tập giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam – gọi đó là sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm, như một dạng "đường lưỡi bò" trong văn hóa.

Khi đó Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã kể câu chuyện ông đã đến tham quan Bảo tàng Kimono tại Tokyo đúng lúc có cuộc triển lãm Lịch sử 5.000 năm trang phục Trung Quốc. Xem đến tủ kính cuối cùng ông sửng sốt khi thấy trưng bày bộ áo dài lụa Việt Nam màu xanh ngọc, ghi rất rõ "Trang phục hiện đại Trung Quốc. Ông cho rằng áo dài là văn hóa mặc của người Việt Nam, muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc. Mặc áo dài không chỉ để đẹp, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Văn hóa chỉ được bảo tồn chắc chắn, phát huy được giá trị khi được sống trong lòng đời sống hằng ngày. Văn hóa của mình, mình phải tự giữ lấy.

Áo dài là văn hóa mặc của người Việt, muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc, không chỉ để đẹp, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Ảnh: H. C

Nhóm Đình Làng Việt có Câu lạc bộ "Áo dài nam truyền thống" ở Hà Nội, sau 3 năm đã có nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh tà áo dài nam truyền thống. Các anh em đã diện áo dài vào những dịp Tết cổ truyền, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, những ngày lễ trọng đại, ngày đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia…

Các thành viên Nhóm Đình Làng Việt đang nỗ lực làm truyền thông để gây dựng hình ảnh áo dài nam truyền thống và đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đến công chúng.

Vài hình ảnh áo dài nam truyền thống đón năm mới do Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ:

Trong tiến trình Hội nhập quốc tế, với chủ trương "hòa nhập mà không hòa tan" Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc phục dựng lại tà áo dài ngũ thân nam truyền thống, từng bước sánh vai với tà áo dài nữ duyên dáng đang tỏa sáng và được bạn bè quốc tế rất ngưỡng mộ.

Ngày 3/5/2018 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trần Ngọc An đã hãnh diện vận bộ Quốc phục trong dịp trình quốc thư, được nữ hoàng Anh Elizabeth II và hoàng gia đón tiếp rất trọng thị.

Đại Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tiên phong đề nghị toàn bộ các cán bộ Đại sứ quán mặc áo dài truyền thống vào những dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền, nghi lễ ngoại giao.

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước và các vùng lãnh thổ, nếu đội ngũ đại sứ và các cán bộ trực thuộc, các cán bộ nhân viên hưởng ứng diện Quốc phục thì sức lan tỏa rất mạnh, và người dân sẽ hưởng ứng nhiệt tình.



Theo Gia đình