Do vậy việc phòng ngừa cháy, nổ trong các khu dân cư đang trở nên cấp thiết, cần được sự quan tâm đúng mức của chính quyền và người dân.
Liên tục những vụ cháy lớn trong 9 tháng đầu năm
Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin, trong 9 tháng qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Điển hình là vụ cháy nhà xưởng xảy ra ở Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào lúc 2h15 ngày 12/4. Vụ hoả hoạn làm cháy 4 nhà xưởng trong khu vực gồm: Xưởng kho lạnh của công ty Cổ phần cơ điện lạnh; Xưởng làm hạt chống ẩm của Công ty TNHH P.L; một kho chứa đồ gỗ mộc thành phẩm và xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công ty Môi trường 79. Tổng diện tích bị cháy gần 1.000m2.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 8 người chết và mất tích trong vụ hỏa hoạn này. Đặc biệt, có 4 nạn nhân đều trong một gia đình.Tất cả các nạn nhân đều tử vong trong khu vực xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công ty Môi trường 79.
Liên tục những vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trong 9 tháng đầu năm
Một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra vào 18h ngày 28/8. Khi đó, một ngọn lửa bất ngờ bùng lên rồi bao trùm nhà xưởng rộng 6.000 m2, nơi sản xuất bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Lúc này trời có gió lớn khiến đám cháy bốc cao, tạo thành cột khói đen hàng trăm mét. Lửa bẻ cong mái tôn, hắt hơi nóng ra xa hàng chục mét, kèm mùi nhựa khét nồng nặc. Hơn 30 phút sau, một góc nhà kho sập xuống.
Cảnh sát dùng vòi rồng phun nước từ nhiều hướng, phá các bức tường gạch để tiến sâu vào tâm cháy. Hàng trăm công nhân lao vào những chỗ chưa bắt lửa để di tản thiết bị, hàng hoá. Chủ các siêu thị, nhà dân xung quanh cũng vội sơ tán đồ đạc.
Trước nguy cơ đám cháy lan rộng sang khu dân cư và kho xưởng khác, nhà chức trách phong toả lối ra vào khu vực, phát loa kêu gọi người dân hỗ trợ. Nhiều thanh niên đã đến giúp di chuyển các vòi chữa cháy. 58 hộ dân với khoảng 200 người dọc tuyến phố Hạ Đình phải di dời cùng những tài sản có giá trị. Lính cứu hỏa leo lên các nhà dân phun nước ngăn cháy lan.
Đến 20h ngày 28/8, nhiều tiếng nổ lớn phát ra, cảnh sát yêu cầu dân ngừng việc sơ tán tài sản để bảo toàn tính mạng. Gần 23h30, lửa bắt đầu được khoanh vùng, thu hẹp dần. Khói và mùi khét vẫn đặc quánh.
Rất may vụ cháy không có ai mắc kẹt và bị thương, nhưng ước tính sơ bộ ban đầu của công ty về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỉ đồng, nhiều đồ đạc, hàng hoá nằm trong nhà kho đã bị ngọn lửa thiêu rụi.
Nghiêm trọng hơn, vụ cháy nhà kho Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã tạo ra lượng lớn khói bụi và các chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ nguy hại đến sức khỏe người dân xung quanh. Ngay sau vụ cháy này, UBND phường Hạ Đình đã phát đi thông tin về vệ sinh môi trường sau vụ cháy, yêu cầu người dân và các cơ quan, tổ chức, trường học đóng trên đại bàn phường cần có các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Gần đây nhất là vụ cháy tại hội trường Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo đó, vụ cháy bắt đầu xảy ra vào khoảng 5h30 sáng nay 28/9, lửa bùng phát từ khu vực hội trường tầng 3. Sau đó, ngọn lửa nhanh chóng bao trùm nhiều đồ đạc, khói đen bốc lên ngùn ngụt, cao hàng chục mét khiến người đi đường hoảng sợ.
Hiện, thiệt hại của vụ cháy chưa thể thống kê, tuy nhiên nhiều đồ đạc tại khu vực sân khấu, khu vực ghế ngồi bị thiêu rụi. Phần mái vòm sân khấu chính bị sập đổ, nhiều thiết bị âm thanh bị cháy trơ khung.
Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ trong mỗi người dân
Trước tình hình cháy nổ diễn ra phức tạp ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn cho xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư. Đây là việc hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Mặc dù công tác truyền thông đã được đẩy mạnh nhưng tình hình cháy, nổ tại khu công nghiệp, khu dân cư, hộ gia đình vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại.
Nguyên nhân được xác định là do nhiều khu dân cư, chung cư, tập thể đã cũ, xuống cấp thiếu các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước tại nhiều nơi còn bất cập. Người dân chưa có thói quen làm tốt việc PCCC. Số hộ gia đình ở khu dân cư chủ động lắp đặt đầy đủ hệ thống thiết bị phòng, chống cháy nổ là rất ít. Bởi, những dụng cụ và phương tiện này trên thị trường thường có giá không hề rẻ so với mức thu nhập của người dân.
Ngoài một số doanh nghiệp sản xuất đóng tại khu dân cư có phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy, nổ còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn... chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC.
Thế nên, để khắc phục những bất cập nêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền các địa phương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư.
Đặc biệt, trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.
Chỉ thị cũng yêu cầu nhanh chóng củng cố, xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Xác định đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ Công an cần thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư. Tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy nổ, nhất là tại khu dân cư, chung cư lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập, đổ công trình.
Đồng thời, tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người...