Bồi đắp, lan tỏa giá trị văn hóa gia đình không chỉ giúp gia tăng sức mạnh cho “mỗi tế bào xã hội” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi gia đình với cộng đồng, xã hội; qua đó củng cố nền tảng văn hóa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ tăng cường gắn kết gia đình...
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19, thời gian này nhiều gia đình chọn cách quây quần ở nhà, chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết, hạn chế tiếp xúc xã hội.
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Đăng Quân ở chung cư Vinhomes Metropolis (Liễu Giai, quận Ba Đình). Là kỹ sư công tác trong một tập đoàn công nghệ, công việc của anh khá bận rộn. Trong khi đó, vợ anh công tác trong ngành Ngân hàng, cũng có áp lực không kém về thời gian, công việc. Vì thế, thời gian vợ chồng anh Quân dành cho gia đình không nhiều, con cái thường xuyên phải nhờ người thân đưa đón, chăm sóc. “Kể từ khi thực hiện yêu cầu cách ly xã hội để phòng dịch, vợ chồng tôi làm việc trực tuyến tại nhà, nên dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Qua đó, chúng tôi chia sẻ, giúp nhau vượt qua những lo lắng, căng thẳng không cần thiết từ tình hình dịch bệnh”, anh Nguyễn Đăng Quân chia sẻ.
Cũng từ quy định hạn chế ra khỏi nhà để phòng, chống dịch nên nếp sinh hoạt trong gia đình anh Bùi Tiến Nam ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức có nhiều thay đổi. Anh Bùi Tiến Nam cho biết: “Trước đây, do tôi thường xuyên bận tiếp khách, không về ăn tối nên vợ ít khi nấu nướng, mà đưa con đi ăn đồ ăn nhanh. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, những bữa cơm gia đình được duy trì đều đặn, giúp mọi người hiểu hơn giá trị của sự sum vầy, qua đó cùng nhau vun đắp, gắn kết tình cảm gia đình”.
Tương tự với gia đình anh Quân, anh Nam, thời gian thực hiện cách ly xã hội đã và đang đem lại cho nhiều người những trải nghiệm quý giá về tình cảm, trách nhiệm với gia đình. Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), dịch Covid-19 gây nên những xáo trộn đáng kể cho đời sống xã hội, song cũng đồng thời là tác nhân khơi dậy nhiều giá trị từ quãng thời gian “sống chậm” của mỗi người, mỗi nhà, để khi soi vào và nhìn nhận thấu đáo, biết trân quý hơn sợi dây gắn kết gia đình, sớm có những điều chỉnh cho phù hợp, cân bằng.
... đến nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội
Với trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, ngay sau yêu cầu thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND thành phố (Chỉ thị 16/CT-TTg; Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 31-3-2020), người dân Thủ đô đã đồng loạt hưởng ứng cùng những khẩu hiệu giản dị như: “Ở nhà là yêu nước”; “Chống dịch như chống giặc - chưa góp sức thì góp bằng ý thức”... Cũng từ đây, mỗi gia đình đã nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để xây dựng tổ ấm gia đình vừa là nơi bảo vệ các thành viên khỏi dịch Covid-19, vừa góp phần khơi dậy, lan tỏa tình cảm gia đình, thắt chặt sự yêu thương, chia sẻ trách nhiệm với xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái với cộng đồng.
Đó là việc các thành viên trong gia đình nhắc nhau sử dụng khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, tránh tụ tập đông người; luôn động viên và hỗ trợ kịp thời khi thấy người thân lo lắng, căng thẳng; chủ động vận động người thân thực hiện nếp sống văn hóa, gắn với phòng, chống dịch... "Mẹ tôi qua đời vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Vì thế, gia đình tôi quyết định tổ chức tang lễ gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm để không ảnh hưởng đến việc thực hiện cách ly xã hội của địa phương" - bà Nguyễn Thu Thủy, thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai chia sẻ.
Mỗi gia đình là một "tế bào" của xã hội, vì thế cuộc chiến chống Covid-19 thắng lợi hay không nhờ sự góp sức của mỗi "tế bào" này. Nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh của mỗi gia đình trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh của cộng đồng, ngày 3-4-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp khơi dậy, lan tỏa ý thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, giải pháp cách ly xã hội, ngăn ngừa lây lan dịch Covid-19 của Chính phủ thực hiện trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh... Giải pháp này phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình để góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
Trên cơ sở đó, ngành Văn hóa Hà Nội đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch Covid-19 trên 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện tốt nếp sống văn hóa nói chung, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố nói riêng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, qua vận động, nhiều gia đình, cộng đồng đã tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động phòng, chống dịch, như: Thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ; chủ động phản ánh những vi phạm về phòng, chống dịch đến các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý; kịp thời chia sẻ, động viên, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; tổ chức cưới, tang văn minh gắn với phòng, chống dịch.
“Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, vận động sẽ tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức phong phú để duy trì, nâng cao hiệu quả huy động trách nhiệm tham gia của gia đình, dòng họ với cộng đồng, xã hội trong phòng, chống dịch bệnh”, bà Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo: Để giảm thiểu các căng thẳng, lo lắng trong mùa dịch Covid-19, các cá nhân nên tích cực chia sẻ cảm xúc với người thân; giới hạn thời gian cập nhật tin tức về dịch bệnh mỗi ngày; duy trì chế độ ăn, ngủ, tập thể dục hợp lý cũng như chủ động các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng; trẻ nhỏ ở gần với cha mẹ để có những hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời...