Trong những phần trước, chúng tôi đã giới thiệu một số nguyên tắc nên và không nên trong việc bố trí bàn làm việc ở văn phòng, công sở theo quan niệm phong thủy, đồng thời có dẫn chứng một số trường hợp cụ thể. Thực ra, có bao nhiêu căn phòng làm việc thì cũng có ngần ấy cách sắp xếp bàn ghế tùy theo hình dạng, kích thước của các căn phòng cũng như tính chất công việc và tính cách của những người chủ căn phòng ấy.
Vì vậy, khó có thể chỉ ra cách bố trí của từng căn phòng mà bạn chỉ cần nhớ những nguyên tắc căn bản rồi vận dụng vào từng trường hợp cụ thể sao cho bạn cảm thấy hài lòng nhất về sự sắp đặt hợp lý của mình là ổn.
Tuy vậy lần này, chúng tôi cũng xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể.
Bàn kê hình bát quái
Đối với văn phòng nhỏ và đông người làm việc, cách sắp xếp bàn có thể còn tạo ra sự sinh động trong nội thất, từ đó làm tăng sinh khí, tạo hưng phấn trong công việc.
Các nhà phong thủy thường đưa ra một ví dụ về trường hợp một vị Chủ tịch Hội đồng quản trị nọ đã thay đổi bàn làm việc từ chỗ kê song song với cạnh tường sang cách kê chéo góc ở góc phòng để tạo thành hình bát quái và từ đó công việc tăng tiến hẳn lên. Ông Phó chủ tịch công ty này phải thốt lên: “Thật kỳ lạ, trong vòng một tháng công việc chuyển biến hẳn, mọi việc đều trơn tru. Chúng tôi như được một lực vô hình đẩy tới, công việc bên ngoài lẫn bên trong được liên kết chặt chẽ. Giữa chúng tôi hiểu biết nhau nhiều hơn trước”.
Theo phong thủy, kê bàn chéo góc vừa được vị trí Tài lộc, đón được sinh khí nhưng dòng khí lại điều hòa, không quá mạnh làm tán khí. Điều quan trọng là vị trí chéo góc vừa tạo ra điểm tựa sau lưng vững chãi, vừa tạo sự kín kẽ ở hai bên hông, làm cho chủ nhân không bị “hở sườn”, một điều tối kỵ trong quân sự. Vì vậy mà nó đem lại may mắn và thành công cho chủ nhân.
Do đó, không chỉ phòng của sếp mà ngay trong phòng làm việc chung, nếu điều kiện cho phép có thể kê bàn chéo góc, hoặc kê theo từng cụm 8 bàn một khối theo hình bát quái cũng sẽ tạo ra khối vững chắc và đem lại may mắn cho nhân viên.
Xét thấy: Chỉ xoay lại bàn mà làm chuyển biến được cả công việc thì kể ra cũng hơi cường điệu. Tuy nhiên trong trường hợp này, xét về thực tế khi xoay 2 bàn ra vị trí chéo góc tạo thành hình bát quái cũng có mặt tốt là tránh được việc kê bàn “đối đầu” nhau. Mặt khác, ở vị trí chéo phòng vẫn là thuận tiện vì bao quát được toàn bộ căn phòng một cách “tự nhiên” nhất. Kê bàn chéo góc hay bát quái còn có tính thực tế cao vì là cách sắp đặt tiết kiệm diện tích nhất.
Kê bàn kiểu lớp học
Trong không ít công sở, quản trị viên tiến hành sắp xếp bàn làm việc của nhân viên và người chủ (có thể là giám đốc, có thể là trưởng phòng…) không khác gì một lớp học. Tức là bàn của sếp phía trên quay mặt lại với nhân viên (giống bàn của giáo viên trên bục giảng), còn bàn nhân viên kê thành hàng song song (như bàn học sinh trong lớp) và tất cả nhân viên hướng nhìn lên phía sếp. Nhiều khi, bàn của sếp lại được đặt gần cửa ra vào cho tiện. Như vậy, chỗ của ông chủ ngồi gần cửa làm người ta liên tưởng đến một ông giáo khó tính ngồi canh chừng học sinh lẻn ra ngoài.
Theo nhà phong thủy, ở vị trí đó ông chủ bao quát được công việc khắp trong phòng nhưng khí lại dễ tán, hay nóng nảy. Do đó, làm trở ngại công việc, ít có cơ hội may mắn cho toàn thể văn phòng. Hậu quả là năng suất làm việc sẽ kém và tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ không phát triển được. Trong trường hợp này, nhà phong thủy khuyên người ta đặt một bình hoặc chậu hoa (hoa thật hoặc hoa giả) ở vị trí giữa người chủ và cửa ra vào để ổn định và quân bình khí, làm tăng uy quyền cho “sếp”.
Xét thấy: Sự bao quát để kiểm soát được toàn bộ hoạt động trong văn phòng là điều cần thiết đối với người lãnh đạo. Tuy nhiên trong trường hợp này, dù vô tình hay cố ý, sự kiểm soát đó lại trở nên quá gắt gao khi sếp ngồi đối diện với tất cả các nhân viên trong phòng. Sự “chiếu tướng” này làm cho nhân viên cảm thấy luôn có ánh mắt của sếp giám sát mọi cử chỉ, hoạt động của mình, thậm chí có người quá nhạy cảm còn luôn luôn có cảm giác “bị theo dõi” cả từ hành động đến ý nghĩ. Từ đó sinh ra ức chế tâm lý, tư duy sáng tạo không phát huy được thì sự giảm sút hiệu quả công việc là hậu quả tất yếu.
Mặt khác, các nhân viên cũng dần dần kém thiện cảm với “sếp”. Thậm chí trong con mắt họ, sếp còn trở thành một bà mẹ chồng khó tính hay tệ hơn, là ông già bảo vệ khó chịu. Dần dần, uy thế của người lãnh đạo bị giảm sút.
Còn việc đặt bình hoa ở vị trí giữa “sếp” và cửa ra vào có thể là để phân tán sự chú ý của các nhân viên để làm giảm sự căng thẳng quá mức của họ chăng?
Tuệ Linh