Tránh kê giường ngủ dưới cửa sổ vì bị thoát khí

Trong việc bố trí nội thất, phong thủy đặc biệt chú ý đến phòng ngủ và khuyên người ta tránh kê giường ngủ dưới cửa sổ. Tại sao lại như vậy?

Trong phong thủy vi mô như nội thất chẳng hạn, người ta coi cửa ra vào tương tự như thủy khẩu, là nơi đón khí vào ngôi nhà. Có khí vào thì phải có khí ra, khi đó khí mới lưu chuyển được thông suốt. Trong trường hợp này, cửa hậu và cửa sổ của ngôi nhà, căn phòng, căn hộ được coi là nơi khí đi ra.

Khí nơi đến thì tụ, nơi đi thì tán. Do đó, nếu kê giường ngủ ngay dưới cửa sổ, theo phong thủy sẽ khiến khí lực của bạn sẽ thoát ra ngoài, làm cho giấc ngủ không sâu và ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, sát khí lại có thể xâm nhập vào nhà qua đường này; vì vậy nếu kê giường ngủ dưới sát cửa sổ sẽ bị luồng sát khí tác động, không tốt cho cả sức khỏe và tài vận.

Giường ngủ cần đặt cách xa cửa sổ để tránh thoát khí và gió lùa

Giường ngủ cần đặt cách xa cửa sổ để tránh thoát khí và gió lùa

Ngoài những bất lợi về phong thủy, trong thực tế nếu kê giường ngủ sát dưới cửa sổ, nhất là đầu giường, sẽ dễ bị tác động của ngoại cảnh bên ngoài, từ tiếng động, ánh sáng đến luồng gió hay những mùi khó chịu… Khi ngủ cần không gian yên tĩnh, nhưng nếu bị tác động của những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, khiến khó ngủ và giấc ngủ không sâu. Đồng thời, nếu bị gió lùa sẽ rất dễ nhiễm phong hàn, gây cảm lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Kể cả trường hợp bạn không bị cảm ngay thì khí lạnh xâm nhập hằng đêm, dần dần cũng dẫn đến chứng phong hàn đi vào huyết mạch, đều không tốt cho sức khỏe.

Để sửa chữa sự thất cách này, bạn cần di chuyển giường ngủ ra xa cửa số. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp căn hộ nhỏ trở ngại trong việc bố trí đồ đạc, không thể di chuyển được giường, hoặc di chuyển cũng không thể cách xa cửa sổ được, bạn có thể làm theo cách sau:

1/ Không mở cửa sổ khi đi ngủ để tránh thoát khí và tránh gió lùa.

2/ Treo rèm hoặc mành che cửa sổ để hạn chế lưu thông khí và giảm luồng gió vào phòng.

Treo mành sáo để luồng gió vào phòng hướng lên trên có tác dụng tương tự như cửa chớp

Treo mành sáo để luồng gió vào phòng hướng lên trên có tác dụng tương tự như cửa chớp

3/ Tốt nhất là làm hai lớp cửa trong kính ngoài chớp, khi ngủ có thể đóng cả hai lớp cửa hoặc muốn thoáng thì chỉ mở cửa kính và đóng cửa chớp. Như vậy gió từ ngoài vào sẽ theo chiều tấm chớp thổi hướng lên trên mà không xộc thẳng vào người; ngược lại khí từ trong thoát ra lại là luồng khí bên trên nên không ảnh hưởng đến người nằm trên giường. Trong trường hợp ở căn hộ thường chỉ có một lớp cửa thì treo mành sáo và mở lá gió hướng lên trên theo chiều từ ngoài vào cũng có tác dụng tương tự như cửa chớp. Nhưng kể cả trong trường hợp có lớp chớp thì cũng nên tìm cách che chắn nửa dưới của cửa sổ để ngăn không cho gió thổi trực tiếp vào người.

Giường ngủ đối diện gương lớn sẽ sinh sát khí

Phong thủy cũng cho rằng, giường nằm không được kê đối diện với gương lớn. Chúng ta đều biết gương là vật phản xạ ánh sáng, tức là khi có ánh sáng chiếu vào nó sẽ phản chiếu lại ánh sáng đó, đồng thời tạo ra ảnh ảo phía sau gương. Trong phong thủy, gương là vật phản xạ và điều chỉnh hướng đi của dòng khí. Chúng ta cũng biết, phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi, là nơi con người ta trở về với chính bản ngã của mình… nên cần sự yên tĩnh để có giấc ngủ ngon và sâu. Do đó mọi vật trong phòng phải tạo sự hài hòa, êm đềm, nhẹ nhàng…

Nếu đặt giường ngủ đối diện với gương lớn, khi đó gương sẽ làm cho dòng khí đi vào giường quá mạnh, kích thích thần kinh làm cho người ta khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu. Thậm chí, dòng khí từ gương phản xạ ra va đập với dòng khí di chuyển trong phòng còn tạo ra dòng xoáy, làm cho khí bị nhiễu loạn. Điều này đặc biệt tác động lên hệ thần kinh, làm cho con người tâm thần bất an, lâu dần gây chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở góc độ khoa học và thực tế, nếu giường ngủ đối diện với gương lớn cũng tác động không tốt đến tâm lý và tinh thần. Những lúc ngủ, nghỉ trên giường, cơ thể con người, kể cả hệ thần kinh, tim mạch thường ở trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi, được thả lỏng, nhiều khi nửa thực nửa hư. Một lúc nào đó, bạn ngồi dậy và bỗng nhiên nhìn thấy một người ngồi lù lù trước mặt. Bạn sẽ không hiểu ra sao và cảm thấy giật mình, thảng thốt, bàng hoàng. Đến khi kịp định thần, nhận ra đó là hính ảnh của mình trong gương thì bạn cũng đã bị một chấn động bất lợi đến hệ thần kinh và tim mạch rồi.

Ngay khi nằm trên giường, khi ngủ bạn tắt đèn hoặc để đèn ngủ, ánh sáng của mọi nguồn sáng đối diện với gương đều được phản chiếu trong gương và đập vào mắt bạn, vừa kích thích thần kinh làm cho khó ngủ, trong tình trạng mơ mơ màng màng, nửa thức nửa ngủ lại dễ tạo ảo giác có thể làm bạn giật mình, sợ hãi… Nếu sự việc lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn hại cho sức khỏe và tinh thần.

Để khắc phục tình huống này, tốt nhất là chuyển gương sang vị trí khác hoặc xoay gương chiếu sang hướng khác. Trong trường hợp không thể di chuyển được, bạn hãy tìm cách che tấm gương lại bằng cách treo bức tranh kín mặt gương hoặc lấy rèm che lấp tấm gương đi, nhất là khi đi ngủ, lúc nào sử dụng mới mở ra.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/phong-thuy-phong-ngu-tai-sao-khong-duoc-dat-dau-giuong-ke-cua-so-va-doi-dien-voi-guong-36947.html 

Theo Tạp Chí Điện Tử Reatimes