Coca-Cola là một trong những thương hiệu đồ uống lớn trên thế giới. Nhãn hàng này tuyên bố tuân thủ "các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất" và là "một công dân xuất sắc nhất trong mọi cộng đồng mà chúng tôi phục vụ” nhưng các hoạt động của Coca-Cola trên khắp thế giới lại kể những câu chuyện khác.

Không phủ nhận Coca-Cola là một thương hiệu danh tiếng nhưng nó cũng là thương hiệu bị kêu gọi tẩy chay nhiều nhất ở khắp nơi trên thế giới.

Truyền thông "bẩn"

Coca-Cola đang bị cư dân mạng Việt lên án ầm ĩ vì vi phạm thuần phong mỹ tục khi dùng chữ "lon" đặt trước tên Tổ Quốc thiêng liêng "Việt Nam". Ý đồ truyền bá thương hiệu miễn phí khi gây ra một làn sóng ý kiến trái chiều trên khắp các diễn đàn mạng xã hội của nhãn hàng này.

Tuy nhiên, đây cũng là chiêu Pr chẳng sạch đẹp gì. Coca-Cola không phải là thương hiệu Việt, anh "nhập gia" mà chẳng hề "tùy tục" khiến nhiều người khó chịu và thay đổi cách nhìn đối với một ông lớn ngành giải khát mang tầm cỡ quốc tế.

Rất nhiều người lên án chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola

Rất nhiều người lên án chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola.

Sau vụ việc truyền thông "bẩn" này, dù Coca-Cola được biết đến nhiều hơn nhưng làn sóng tẩy chay cũng không ít khi rất nhiều người có tầm ảnh hưởng đang kêu gọi không sử dụng loại đồ uống có ga này.

Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu đồ uống lớn nhất hành tinh bị lên án vì những chiến dịch quảng bá thương hiệu của mình. Trong quá khứ, nhãn hàng danh tiếng liên tục gặp phải lùm xùm.

Năm 2000, Coca-Cola đã định tung ra chiến dịch quảng bá mang tên "H2NO". Chiến dịch này kêu gọi người Mỹ từ bỏ nước lọc tại nhà để sử dụng các loại nước đóng chai của Coca-Cola. Tuy nhiên, Chiến dịch "H2NO" đã bị người Mỹ chỉ trích nặng nề vì phản khoa học, phi môi trường và thiếu đạo đức kinh doanh.

Tại Trung Quốc, Coca-Cola đã bị chỉ trích nặng nề khi phiên âm sang tiếng Trung một cách khiếm nhã. Coca-Cola khi đó đã dùng cách phát âm trong tiếng Hoa là "Ke-kou-ke-la", đọc lái đi, nó có nghĩa là "cắn con nòng nọc sáp" hay "con ngựa cái nhồi sáp". Sau đó, nhãn hàng này đã phải đổi thành "Ko-kou-ko-le" "hạnh phúc trong miệng" để hợp hơn với thuần phong mỹ tục người Hoa.

Rồi tại Úc, thương hiệu này cũng đã phải thu hồi hàng triệu tờ rơi và áp phích vì có chứa hình ảnh khiêu dâm,... Chẳng biết vô tình hay hữu ý, nhưng trải qua rất nhiều "xì căng đan" về quảng cáo như vậy mà nhãn hàng danh tiếng này lại không suy đi tính lại khi tung chiến dịch quảng cáo mới hay sao?

Tác động xấu đến môi trường

Coca-Cola đã bị buộc tội làm mất nước của cộng đồng vì lấy nước để sản xuất đồ uống, làm khô giếng của nông dân và phá hủy nông nghiệp địa phương. Công ty này cũng đã vi phạm quyền của người lao động tại các quốc gia như Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ, Guatemala và Nga.

Ít ai biết rằng, để tạo ra 1 lít Coca-Cola cần đến 3 lít nước. Coca-Cola chiếm quyền kiểm soát các tầng nước sâu trong các cộng đồng thế giới hàng trăm năm. Các nhà máy của hãng đồ uống danh tiếng này được đặt ở khắp nơi, ngay cả những khu vực bị thiếu tài nguyên nước và mưa ít.

Ấn Độ đã từng xuất hiện những chiến dịch chống lại công ty ở một số bang như Rajasthan và Uttar Pradesh. Coca-Cola đã thành lập một nhà máy sản xuất tại làng Kaladera vùng Rajasthan vào cuối năm 1999. Rajasthan nổi tiếng là một quốc gia sa mạc, và Kaladera là một ngôi làng nhỏ, nghèo khó, đặc trưng bởi điều kiện thời tiết khô cằn. Người dân ở đây dựa vào nguồn nước ngầm để sản xuất nông nghiệp. Nhưng kể từ khi Coca-Cola đến, mạch nước ngầm cạn kiệt và việc tưới tiêu bị ảnh hưởng, mùa màng thất thu, nhiều gia đình có nguy cơ mất sinh kế.

Cáo buộc của dân chúng không phải không có bằng chứng. Các tài liệu từ Bộ Thủy lợi của nước này cho thấy, mực nước từ năm 1995-2000 vẫn ổn định. Tuy nhiên, từ khi nhà máy của Coca-Cola đi vào hoạt động, mực nước đã giảm đến 10m. Người dân địa phương lo sợ Kaladera có thể trở thành một "vùng tối"- thuật ngữ sử dụng để mô tả các khu vực bị bỏ hoang do nguồn nước cạn kiệt.

Cộng đồng cư dân khác nơi các nhà máy của Coca-Cola cũng đang gặp phải tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cũng như thiệt hại về môi trường. Dân làng địa phương gần thành phố thánh Varanasi ở Uttar Pradesh phàn nàn rằng việc khai thác quá mức tài nguyên nước của công ty đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ mùa của họ và dẫn đến cạn kiệt giếng. Như ở Rajasthan và Kerala, dân làng đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối nhà máy Coca-Cola địa phương vì chiếm đoạt tài nguyên nước quý giá.

Nhà máy của Coca-Cola đã buộc phải đóng cửa vào tháng 3 năm 2004 sau khi hội đồng làng từ chối công ty gia hạn giấy phép vì nguồn nước đã bị sử dụng quá mức và ô nhiễm tài nguyên.

Năm 2003, Trung tâm Khoa học và Môi trường độc lập của Ấn đã thử nghiệm đồ uống Coca-Cola và tìm thấy mức độ thuốc trừ sâu cao hơn khoảng 30 lần so với tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu. Mức độ DDT, bị cấm trong nông nghiệp ở Ấn, cao hơn chín lần so với giới hạn của EU. Vào tháng 2 năm 2004, các nghị sĩ Ấn Độ, những người điều tra các nghiên cứu của CSE đã giữ nguyên những phát hiện này và Quốc hội đã tiếp tục cấm Coca-Cola khỏi các quán ăn tự phục vụ.

Chẳng phải đâu xa, ngay tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An, nơi có trụ sở Coca-Cola cũng đã từng bị yêu cầu tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của công ty này do chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bạo hành công nhân

Không chỉ thiên nhiên và môi trường lên tiếng, các công nhân của Coca-Cola cũng phải chịu đựng nạn bạo hành trong công cuộc chống liên minh của hãng đồ uống danh tiếng này.

Coca-Cola bị cáo buộc đe dọa và tra tấn công nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nicaragua. Công nhân Guatemala đã đấu tranh chống lại nạn tra tấn ở nhà máy Coca-Cola từ những năm 1970. 

Ở những nơi khác như Peru, Nga và Chile, công nhân của Coca-Cola đã kịch liệt phản đối chính sách chống liên minh của công ty.

Phân biệt chủng tộc

Ngay trên quê hương của mình, nước Mỹ, Coca-Cola cũng bị chỉ trích nặng nề vì hành vi phân biệt chủng tộc, kỳ thị người Do Thái vì xây nhà máy cho người da trắng và người da đen khác nhau.

Nhiều công nhân Coca-Cola cáo buộc công ty này không chịu trả lương, tăng lương và đánh giá kết quả công việc một cách công bằng đối với các nhân công da màu. Vụ kiện này có sức ảnh hưởng rất lớn, nhiều người kêu gọi tẩy chay hãng đồ uống này. Một trong số đó là ông Martin Luther King - Nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ, người đã được trao tặng giải thường Noel Hòa Bình, từng viết trong bài phát biểu được gửi đi vào 1 ngày trước khi ông qua đời rằng: “Và như vậy, tôi muốn nói rằng, hãy ra khỏi nhà ngay trong tối nay và nói với hàng xóm của mình đừng bao giờ mua CocaCola nữa”. Nhãn hàng này phải bồi thường cho 2.200 nhân công da đen làm việc từ 22/4/1995 tới 14/6/2000, mỗi người gần 40.000 USD trong vụ kiện phân biệt chủng tộc.

Đến năm 2013, Coca-Cola lại tiếp tục bị đả kích khi thực hiện đoạn quảng cáo có nội dung phân biệt chủng tộc giữa những người Mỹ và Ả Rập. Cộng đồng người Ả Rập đã lên án và tẩy chay Coca-Cola. Ủy ban chống nạn kỳ thị (ADC) đã đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập cũng phản đối kịch liệt.

Công ty này tuyên bố tồn tại "để mang lại lợi ích và mang lại cảm giác sảng khoái ngay khi chạm lưỡi" và để cố gắng duy trì hình ảnh tích cực này, công ty đã chi 2 tỷ đô la mỗi năm cho quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, với những vụ việc từ xưa đến nay, hình ảnh của hãng đang dần sụp đổ trong mắt người tiêu dùng.

Bài viết có tham khảo thông tin từ Reuter, The Guardian, Waronwant, economictimes và một số nguồn tin khác.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới