Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Ngày 4/9, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Tam Dương (Công ty Tam Dương) đã có kiến nghị gửi UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đề nghị tháo dỡ các gian hàng bán bánh trung thu đang hoạt động không phép, án ngữ ngang nhiên tại sảnh trước và vỉa hè tòa nhà Sunrise Building, số 90 Trần Thái Tông.

Quầy bánh trung thu án ngữ mặt tiền, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, theo kiến nghị của Công ty Tam Dương, kể từ ngày 31/08/2020, trước mặt tiền tầng 1, phần sân trước tòa nhà D11, số 90 Trần Thái Tông đã xuất hiện các tổ chức, cá nhân đến lắp đặt trái phép 03 gian hàng bánh trung thu với diện tích từ 10 – 15m2/gian hàng. Các gian hàng nằm án ngữ ngay trên vỉa hè hai tuyến phố Duy Tân và Trần Thái Tông, che chắn toàn bộ không gian mặt tiền, biển bảng, chiếm dụng luôn diện tích dành đỗ xe cho khách của các cửa hàng kinh doanh đang hoạt động hợp pháp tại tầng 1 tòa nhà.

Việc làm này khiến hoạt động kinh doanh của các đối tác thuê mặt sàn TMDV của Công ty CPĐT&PT Tam Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, hoàn trả mặt bằng thuê. Đối với hành vi tự ý lắp đặt gian hàng bán bánh trung thu này, Công ty Tam Dương cho biết: “Theo HĐMB ký kết ngày 2/2/2007 giữa Công ty CP CPĐT&PT Tam Dương và Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội (chủ đầu tư dự án Sunrise Building số 90 phố Trần Thái Tông), tại mục 4.2.1, khoản 4.2 đã quy định rõ: “Công ty CP CPĐT&PT Tam Dương được quyền bố trí toàn bộ khu vực khoảng trống mặt trước tòa nhà làm nơi để xe cho khách đến làm việc tại tòa nhà”.

Văn bản của công ty Tam Dương gửi chính quyền UBND phường Dịch Vọng Hậu nhưng chính quyền vẫn chưa có động thái xử lý triệt để. 

Đây cũng là hành vi vi phạm trật tự công cộng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và mất ATGT trên địa bàn. Mặt khác, các gian hàng này đã vi phạm quy định phòng tránh dịch Covid-19 của Thành phố, không đảm bảo an toàn, giãn cách như yêu cầu của Thành phố tại công văn số 3906/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 của UBND T.P Hà Nội ký ngày 14/08/2020 và Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND hồi 08 giờ 30 ngày 18/8/2020 của Chủ tịch UBND T.P Hà NộI”.

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Duy – Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Không biết là tự phát hay không nhưng hiện tượng này vừa mới phát sinh, vì thường thì đến tầm này người ta mới bắt đầu bán bánh trung thu”. Về quan điểm xử lý đối với kiến nghị của Công ty Tam Dương, ông Duy cho biết, UBND đang xử lý, yêu cầu đơn vị kinh doanh xuất trình hồ sơ, giấy tờ”.

Mặc dù từ nhiều năm nay, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh cấm bày bán quầy bánh trung thu trên vỉa hè. Ngày 1/9/2020, Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội cũng cho biết, mùa trung thu năm nay, cơ quan này không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào kinh doanh bánh trung thu trên vỉa hè hoặc sảnh trước các tòa chung cư.

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, TP đã phân cấp lại và giao trách nhiệm cấp phép, kiểm tra xử lý các cửa hàng bánh Trung thu cho các quận/huyện địa phương. Cụ thể, đại diện Sở GTVT cho biết, theo phân cấp của TP, Sở chỉ quản lý 88 tuyến phố, các tuyến còn lại thuộc quyền quản lý của chính quyền quận, huyện sở tại. Thông thường, mỗi công ty được cấp phép khoảng 6 đến 8 địa điểm. Các tuyến phố được cấp phép đều có vỉa hè rộng, bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Ngoài các tuyến phố do Sở GTVT Hà Nội quản lý, thì việc UBND các quận, phường cấp phép cho bày bán bánh trên vỉa hè thuộc quyền quản lý của mình, Sở không thể cấm hay xử lý, mà chỉ có thể tổng hợp, đánh giá rồi báo cáo lãnh đạo TP để có ý kiến chỉ đạo. Về phía Sở, đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm, triệt tiêu các trường hợp bày bán bánh Trung thu tràn lan làm ảnh hưởng đến vỉa hè, lề đường.

Về phía UBND quận Cầu Giấy cũng có văn bản yêu cầu UBND các phường thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội. Nhưng không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo phường Dịch Vọng Hậu vẫn phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng các gian hàng bán bánh trung thu trái phép hoạt động công khai ngay trên vỉa hè hai tuyến phố Trần Thái Tông – Duy Tân, cách trụ sở UBND phường vẻn vẹn trên 100m .

Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội cũng từng gay gắt bày tỏ quan điểm, nếu cứ đơn giản cấp phép cho một quầy bánh Trung thu được bày bán trên vỉa hè, sẽ dễ dẫn đến việc sau đó người kinh doanh sẽ tìm cách lách luật. Việc buôn bán đơn thuần thì không ảnh hưởng lắm đến vỉa hè, người đi bộ nhưng nếu vào thời gian cao điểm, khách tới mua đông thì sẽ có sự cản trở giao thông rất lớn: “Vỉa hè là dành cho người đi bộ, không phải để kinh doanh buôn bán. Ngoài ra, chủng loại và số lượng bánh Trung thu bán tràn lan trên vỉa hè rất khó kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".


Theo Hồng Lĩnh/Đô Thị Mới